(HNM) - Graffiti - một dạng tranh tường - xuất hiện lần đầu tiên ở New York (Mỹ) vào những năm 1970, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp nước Mỹ.
Ban đầu, graffiti được hiểu là những nét vẽ đơn giản và ngẫu hứng của người đi đường nhằm lưu lại tên họ ở nơi công cộng như trạm điện thoại, ga tàu điện ngầm... Dần dần graffiti được các "họa sĩ đường phố" phát triển thành những bức tranh nhiều thể loại và màu sắc.
Nói đến graffiti không thể không nhắc tới Demetrius - một người Hy Lạp sau đó chuyển sang sinh sống ở New York. Ông làm rất nhiều việc và thường di chuyển bằng tàu điện ngầm. Demetrius đã để lại biệt danh TAKI 183 ở khắp thành phố sôi động nhất nước Mỹ. Việc làm này của Demetrius được giới trẻ Mỹ hưởng ứng nhiệt tình sau khi Thời báo New York có một bài viết về ông vào năm 1971.
Lúc đầu, các "tác phẩm" graffiti được vẽ chủ yếu bằng loại bút đánh dấu. Tuy nhiên, với những bề mặt tường thô ráp thì loại "cọ" này không mấy hiệu quả. Bởi thế, các "họa sĩ" chuyển sang sử dụng bình sơn xịt - vừa nhanh vừa hiệu quả. Vì thế, chẳng mấy chốc nhiều mảng tường trống ở New York và những thành phố lớn khác ở Mỹ đã được phủ đầy các loại graffiti, từ biển hiệu công viên, các đường hầm và đại lộ.
Khổ nỗi, trình độ graffiti của nhiều "họa sĩ" cũng khác nhau. Thế nên, một graffiti có giá trị nghệ thuật thực sự luôn ít mà các bức vẽ chỉ để lấp khoảng trống thì nhiều, chưa kể những "tác phẩm" gây mất mỹ quan đô thị. Đây là nguyên nhân buộc các nhà chức trách địa phương phải đưa thứ thể hiện ngẫu hứng này vào "tầm ngắm". Tuy nhiên, ngăn chặn graffiti là cả vấn đề. Tuy tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng xem ra tốc độ phát sinh những mảng vẽ không mong muốn vẫn không thuyên giảm. Thậm chí cảnh sát đã phải thành lập cả đội giám sát gồm cơ sở dữ liệu nhận dạng và các đội tuần tra bộ nhưng các cuộc "múa bút" lén lút của giới graffiti không phải lúc nào cũng được phát hiện.
Thời gian gần đây, các nhà chức trách Mỹ còn đau đầu hơn khi kế hoạch cắt giảm ngân sách gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực đẩy lùi graffiti. Điều này có nghĩa nhiều thành phố Mỹ không có nguồn ngân sách cho tẩy xóa như trước. Cảnh sát sẽ không có đủ nguồn lực để thi hành luật pháp. Trong khi đó, nhiều quan chức Mỹ đang lo ngại những khó khăn về kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cũng là một nguyên nhân đẩy mạnh phong trào graffiti.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.