(HNMO) - Ngày 13-5, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã đề xuất một dự luật giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD nhằm hỗ trợ các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, hộ gia đình.
Dự luật đề xuất gần 1.000 tỷ USD hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch khiến gần 1.406.807 triệu người mắc bệnh, trong đó ít nhất 83.824 người tử vong.
Cụ thể, 75 tỷ USD cho việc xét nghiệm; thanh toán trực tiếp lên tới 6.000 USD cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ; 10 tỷ USD trợ cấp khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ và 25 tỷ USD cho cơ quan Dịch vụ Bưu chính. Dự luật cũng mở rộng thanh toán thất nghiệp liên bang đến tháng 1-2021. Dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ nhóm họp để bỏ phiếu về dự luật vào ngày 15-5.
Trong khi đó, Sở Y tế New York cho biết đang điều trị và tìm kiếm nguyên nhân khiến khoảng 100 trẻ em của bang miền Đông nước Mỹ này mắc một hội chứng viêm hiếm gặp, nhưng khá nguy hiểm, được cho là có liên quan tới vi rút SARS-CoV-2. Căn bệnh có tên gọi Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em được phát hiện xảy ra đối với trẻ em trong độ tuổi từ 5-14 và hiện 3 em đã tử vong.
Châu Âu
Ủy viên phụ trách Y tế và An toàn thực phẩm, Stella Kyriakides cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký hợp đồng mới với Philips để mua các máy thở. Công ty điện tử này cam kết sản xuất 15.000 máy/tuần. Đây là nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cung cấp đầy đủ máy thở cho các nước thành viên.
Trước đó, những công ty khác đã ký các hợp đồng tương tự với EU trong khuôn khổ thỏa thuận thu mua chung mà EC - đại diện cho 25 nước thành viên EU - đề ra trong tháng 3 vừa qua.
Tuy nhiên, đến nay chưa có máy thở nào được bàn giao cho các bệnh viện EU theo cơ chế này. Một người phát ngôn của EC cho biết, EC đang đàm phán giá với các nhà cung cấp và ký hợp đồng khung trước khi các chính phủ có thể đặt hàng.
Cùng ngày, Tây Ban Nha thông báo sẽ hạn chế số người đến từ các nước Schengen (khu vực đi lại tự do trong Liên minh châu Âu), đồng thời áp đặt cách ly 14 ngày đối với tất cả những người đến nước này nhằm tránh khả năng lây nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 từ những người nhập cảnh. Cả hai biện pháp trên đều có hiệu lực kể từ ngày 15-5 và sẽ được duy trì tới ngày 24-5, thời điểm tình trạng khẩn cấp hết hạn hoặc lâu hơn.
Châu Á
Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) đang tiến hành lắp đặt các phòng xét nghiệm di động tại các sân bay, cảng biển và cửa khẩu trên toàn quốc nhằm phát hiện vi rút SARS-CoV-2. Mẫu phòng xét nghiệm di động này do Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng công nghệ (BPPT) phát triển đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 2 (BSL2) và có khả năng thực hiện 262 xét nghiệm PCR mỗi ngày.
Thư ký BNPB Harmensyah cho biết, công dân Indonesia bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong đó hầu hết là lao động xuất khẩu, vẫn được hồi hương. Theo thống kê, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Indonesia đã tiếp nhận khoảng 90.000 lao động ở nước ngoài.
Dự kiến, hàng chục nghìn công dân nước này, trong đó hầu hết là ngư dân, sinh viên và người hành hương, sẽ tiếp tục được hồi hương trong tháng này hoặc tháng 6 tới. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, họ sẽ được cách ly 2 tuần tại các khu tập trung hoặc khách sạn. Nếu dương tính, họ sẽ được chuyển đến chữa trị tại các bệnh viện dã chiến.
Tại Ấn Độ, để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi tác động của đại dịch cũng như ảnh hưởng từ biện pháp phong tỏa toàn quốc kéo dài suốt 50 ngày qua, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố gói kích thích trị giá 20.000 tỷ rupi (khoảng 275 tỷ USD).
Gói kích thích tương đương 10% GDP của Ấn Độ này nhằm thúc đẩy phong trào tự lực của Ấn Độ thông qua việc ưu tiên cho đất đai, lao động và các yếu tố quan trọng khác. Gói này sẽ dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, nông dân, người lao động và tầng lớp trung lưu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng thông báo sẽ tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi giai đoạn phong tỏa hiện nay kết thúc vào ngày 18-5 tới.
Tính đến 6h ngày 13-5, trên thế giới đã có 4.335.226 người mắc Covid-19, 292.274 ca tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.