(HNM) - Đó là phản ứng của nhiều người dân, nghị sĩ Mỹ và một số đồng minh Châu Âu sau tuyên bố cải tổ hoạt động do thám của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong bài diễn văn mới nhất, người đứng đầu Nhà Trắng đã thông báo một loạt thay đổi trong chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) như cam kết sẽ bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư của các công dân nước ngoài. Việc chấm dứt gần hết hoạt động theo dõi các nước đồng minh và không nghe lén lãnh đạo các nước đồng minh và thân cận, "trừ phi vì lý do an ninh quốc gia", cũng được Mỹ hứa hẹn. Washington còn khẳng định sẽ tiến hành giám sát tư pháp việc chính phủ thu thập thông tin hàng triệu cuộc gọi điện thoại của người dân Mỹ, vấn đề đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận nước này.
Kế hoạch cải tổ chương trình do thám của Tổng thống Mỹ B.Obama đã dấy lên sự hoài nghi trong dư luận Mỹ và Châu Âu. |
Mặc dù vậy, kết quả điều tra dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew và USA Today công bố ngày 21-1 cho thấy, 73% số người nghe bài diễn văn của Tổng thống B.Obama cho rằng các đề xuất cải cách NSA của tổng thống không tạo ra thay đổi lớn trong việc bảo vệ quyền riêng tư của họ. Bên cạnh đó, hiện có 53% người Mỹ không tán thành việc NSA thu thập thông tin qua các cuộc gọi và mạng internet, tăng 9% so với tháng 7-2013. Trước đó, ngày 19-1, các nghị sĩ cốt cán của Mỹ cũng đã bày tỏ sự lo ngại và phản đối kế hoạch cải tổ hoạt động tình báo trên. Lý do được viện dẫn là những quan ngại chung rằng liệu giải pháp trên có thực sự an toàn và bảo đảm an ninh quốc gia trước mọi nguy cơ khủng bố. Nhất là khi ông chủ Nhà Trắng đề xuất giao trách nhiệm lưu giữ thông tin thu thập được cho một bên thứ ba không phải là các cơ quan chính phủ. Theo Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein, Tổng thống B.Obama vẫn muốn lưu giữ thông tin thu thập được, nhưng cũng muốn tìm các thực thể không phải là các cơ quan chính phủ để trao trách nhiệm này. Điều đó cho thấy người đứng đầu nước Mỹ đang gặp khó khăn giữa việc xác định một tổ chức tư nhân có đủ khả năng lưu giữ khối dữ liệu khổng lồ trong khi vẫn bảo đảm công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Chưa hết, đồng minh Đức cũng bày tỏ hoài nghi trước những đề xuất cải tổ và thay đổi các chương trình do thám, đồng thời khẳng định Đức cần tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận không do thám lẫn nhau với Mỹ. Phát biểu trước truyền thông, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cho biết Tổng thống Mỹ đã thực hiện "bước đi đầu tiên" trong kế hoạch rút lại một số chương trình do thám của Mỹ, tuy nhiên niềm tin đã mất chỉ có thể xây dựng lại bằng cách ký một thỏa thuận ràng buộc pháp lý với Mỹ để bảo vệ dữ liệu cá nhân cho tất cả công dân Đức.
Thực tế, tất cả những sự hoài nghi và phản đối trên không phải không có căn cứ. Theo các nhà phân tích, kế hoạch cải tổ là một công cuộc cải cách về hình thức hơn là nội dung vì chủ yếu liên quan đến phương pháp làm việc của NSA. Cơ quan tình báo Mỹ vẫn tiếp tục thu thập hàng triệu dữ liệu và các siêu dữ liệu vẫn sẽ được lưu trữ. Thậm chí, Tổng thống Mỹ B.Obama cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan tình báo nước này sẽ tiếp tục thu thập thông tin để biết những ý định của các chính phủ trên thế giới, mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sự an toàn của đất nước. Một cơ quan tình báo sẽ trở nên vô nghĩa nếu bị hạn chế để biết được những điều mà người dân có thể tìm thấy trên các báo như NewYork Times hay Der Spiegel... Thế nên, những thay đổi trong hoạt động tình báo Mỹ được nhìn nhận chủ yếu là nhằm xoa dịu các đồng minh cũng như người dân trong nước.
Tuy nhiên, kế hoạch cải tổ, mà thực chất không thực sự làm suy yếu quyền hạn của NSA, chưa đạt được mục tiêu như dự định. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang phải chứng kiến những quan điểm chia rẽ sâu sắc về hoạt động do thám, có thể khẳng định việc cải tổ nếu được thực hiện cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.