(HNM) - Tại chợ cá đêm Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội), những người lao động ở đây quần quật thâu đêm suốt sáng. Họ đánh đổi giấc ngủ đêm đêm nhằm tìm cuộc sống ấm no cho gia đình.
Nhọc nhằn mưu sinh
2h sáng, khi cả thành phố vẫn say giấc nồng thì những "lái cá" ở chợ Yên Sở bắt đầu ngày làm việc mới sôi động. Từ trong những góc nhỏ của từng ki ốt, các thương lái đã thức dậy từ lâu, lục đục chuẩn bị đồ nghề để đón những mẻ cá đầu tiên được vận chuyển trong đêm từ khắp các địa phương miền Bắc dồn về đây tiêu thụ. Trong ki ốt của chị Vũ Thị Quy, chưa tới 50m2, chứa đầy đồ nghề, lỉnh kỉnh nào bể chứa cá bằng bê tông, bằng tôn; máy sục, dây sục… Giữa mớ hỗn độn đồ nghề trong ki ốt chật chội, chị Quy đon đả nhập chuyến hàng đầu tiên của ngày. Ở chợ cá Yên Sở, chị Quy là một trong những tiểu thương nhiều thâm niên nhất, "bôn ba" ở nhiều nơi trước khi về đây.
Chợ cá Yên Sở luôn nhộn nhịp về đêm. |
Chị Quy cho biết: "Tất cả tiểu thương ở chợ không phân biệt ngày đêm, lúc nào cũng sẵn sàng cho công việc. Có lúc tôi vừa đặt lưng xuống giường thì xe cá về, thế là lại bật dậy để nhập, để bán cho kịp mối hàng. Trời phù hộ cho sức khỏe, tôi mới có thể chạy đi chạy lại thâu đêm suốt sáng, chứ ốm ra đấy thì không biết sẽ như thế nào". Ở thời điểm nhộn nhịp nhất của chợ cá, từ khoảng 1h đến 6h sáng, chứng kiến cảnh làm việc tấp nập ở đây chúng tôi mới thấy thấm thía được những nhọc nhằn mà họ trải qua.
Phía ngoài cổng chợ, đội khuân vác đã tề tựu đông đủ. Ăn vội lưng bát cơm nguội mang theo người, chị Thương, người quê Hưng Yên, nói: "Đêm nào cũng vậy, chúng tôi tranh thủ từng giây để kịp ra chợ tìm mối bốc thuê. Xong việc, mặt trời ló rạng là tôi lại về đi bán xôi sáng, chiều thì ai thuê việc gì cũng làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học". Chị Hà, đứng cạnh chị Thương, tiếp lời: "Các anh thấy đấy, không những phải thức khuya dậy sớm, nghề bốc vác nặng nhọc nên chúng tôi thường bị các bệnh về xương khớp. Hơn thế, hồi mới lên Hà Nội làm thuê, chúng tôi cũng phải nhẫn nhịn đủ điều để mong kiếm được việc làm ổn định, có thu nhập gửi về nuôi con". Chị Hà gia cảnh cũng khó khăn khi chồng đau ốm liên tục, các con còn nhỏ nên một mình phải bươn chải kiếm sống nơi thị thành hơn 10 năm nay.
Cùng hoàn cảnh với chị Thương, chị Hà là những tài xế xe tải chở cá ở các tỉnh xa về chợ cá Yên Sở. Anh Trần Văn Đức, quê ở Hải Dương, cho biết: "Cá ở quê cũng bán được nhưng giá kém cạnh tranh hơn, chuyển lên thành phố vừa được giá lại bán được nhiều hàng. Chúng tôi cũng phải gom hàng từ ngày hôm trước, bảo quản cẩn thận trong bể sục để vận chuyển về Hà Nội cá vẫn khỏe".
Trời gần về sáng, lượng người và xe đổ về chợ cá mỗi lúc một đông. Khoảng sân trống giữa chợ đông nghịt người. Một người trong đám đông nói vui rằng: "Chúng tôi là những người "thức ngày cày đêm" quen rồi, các anh chỉ cần một đêm không ngủ, hôm sau sẽ biết liền...".
Bà con tiểu thương ở đây mong muốn có “cơ ngơi” mới để yên tâm làm ăn. |
Mong có chợ mới
Ông Trịnh Cao Phượng, năm nay 75 tuổi, là Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Yên Sở. Dáng người thấp đậm, nước da đen đúa, chân lúc nào cũng bận đôi ủng cao đến gối, ông Phượng đôn đáo trong chợ thâu đêm không biết mệt. Người ở Yên Sở gọi ông là "rái cá" vì ông gắn bó với con tôm, con cá từ nhỏ, giờ đã tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn được làm "quản lý" chợ cá to nhất miền Bắc. Ông Phượng cho biết, Yên Sở nay đã lên phố lên phường nhưng những làng xã cổ xưa như Yên Duyên, Sở Thượng vẫn in đậm dấu ấn của nghề nuôi cá bởi có hệ thống ao hồ dày đặc. Người Yên Sở hay ví von: "Nhất thả cá, nhì gá bạc", "gá bạc" thì đã mất nhưng "thả cá" thì vẫn phát triển. Ông Phượng nhớ lại: "Đất Yên Sở xưa là vùng trũng, nhiều ao hồ đầm vụng. Có thời kỳ, tôi cùng anh em nuôi cá ở một hồ mà đi tuần cả buổi mới hết vòng hồ". Điều đáng ghi nhớ với những người dân Yên Sở là dù ở thời kỳ nào thì họ vẫn là những "rái cá" thực thụ. Đã có thời điểm, 80-90% người bán cá ở khu vực Hà Nội là người Yên Sở. Ông Cao Văn Thìn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ thủy sản thương mại tổng hợp Yên Sở chia sẻ kinh nghiệm đi "mót" cá giống vào những thập niên 60, 70 thế kỷ trước: "Cứ mùa mưa đến, đúng thời điểm này (từ trung tuần tháng 5 âm lịch trở đi) là chúng tôi biết cá sẽ ngược lên thượng nguồn để đẻ. Lúc này, các "rái cá" Yên Sở sẽ giăng lưới mắt nhỏ li ti trên sông Hồng để hớt trứng về ươm giống".
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Sở Vũ Minh Thư cho biết, từ chỗ có nghề nuôi, đánh bắt cá truyền thống nên chợ cá Yên Sở đã manh nha tự phát từ năm 1980, nằm ngay ở ngã ba Yên Sở. Khi đó, cùng với cá ở Yên Sở, cá ở khắp các tỉnh Bắc bộ cũng mang về đây để buôn bán, trung chuyển ra thị trường. Do hoạt động của chợ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, năm 2004, chính quyền địa phương đã chuyển các hộ dân về buôn bán tại địa điểm tạm như hiện nay trên diện tích 6.000m2. Cơ sở hạ tầng của chợ ở thời điểm này khá tạm bợ, chia thành 4 dãy nhà cấp bốn lợp tôn với 86 ki ốt bán hàng có diện tích từ 20m2 đến 50m2/ki ốt. Theo ông Phượng, hiện có khoảng hơn 300 hộ kinh doanh tại chợ cá, nhiều ki ốt có từ 3 đến 5 hộ chung nhau buôn bán. Lượng cá trung chuyển ở khu vực Hà Nội và đi các tỉnh lân cận tại chợ cá trung bình khoảng 150-160 tấn/ngày đêm.
Điều băn khoăn nhất của tiểu thương và những người đang hành nghề tại chợ cá Yên Sở là vì chợ tạm nên cơ sở hạ tầng xập xệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc kinh doanh ở "Đệ nhất chợ cá đất Bắc" này. Các dãy nhà ki ốt đều được xây dựng tạm bợ, chật chội và đang xuống cấp trầm trọng. Đáng ngại nhất là chợ cá chưa có hệ thống thoát nước thải để phục vụ công việc buôn bán, vệ sinh. Trên diện tích 6.000m2, hoàn toàn không có cống rãnh, toàn bộ gần 100 ki ốt trong chợ đổ nước thải lênh láng ra sân, rồi chảy vào kênh Đồng Giêng, một mương lộ thiên duy nhất để gom nước thải cho chợ cá. Bản thân kênh Đồng Giêng cũng bị bồi lắng, rác rưởi giăng mắc khắp nơi, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quá bức xúc trước cơ sở hạ tầng xuống cấp, mới đây các tiểu thương chợ Yên Sở đã tự mình góp tiền để "tự ý" xây dựng sân, đường bằng bê tông, kéo đường điện với tổng trị giá lên đến 450 triệu đồng.
Trước tình cảnh này, mong ước lớn nhất của người buôn cá ở chợ đêm Yên Sở là được xây chợ mới để buôn bán ổn định. Chị Cao Thị Huyền, hộ kinh doanh với ki ốt rộng chưa đầy 20m2, than vãn: "Chúng tôi biết rất rõ chợ tạm đang hoạt động trên đất nông nghiệp nên không được cơi nới, xây dựng. Dù tạm nhưng chợ cá Yên Sở lại đóng vai trò quan trọng, là chợ trung chuyển lớn nhất miền Bắc nên đề nghị thành phố cho đầu tư chợ cá mới để bà con tiểu thương Yên Sở nói riêng và những hộ nuôi cá ở khắp miền Bắc yên tâm sản xuất, buôn bán". Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Sở Vũ Minh Thư kiến nghị các cấp tạo điều kiện cho địa phương xây dựng chợ mới trên cơ sở huy động nguồn vốn xã hội hóa, trong đó phường sẽ tập trung phát huy nội lực từ chính các hộ kinh doanh trong chợ hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.