(HNM) - Gọi điện tới Đường dây nóng Báo Hànộimới, ông Lê Thanh Hải (Tổ trưởng tổ dân phố 18, khu 2 phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) phản ánh: trên địa bàn ngõ 626 đường Bưởi có đoạn mương Sông Lốc lộ thiên chảy qua. Từ nhiều năm nay, hễ trời mưa là nước tràn ngập vào nhà, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân…
Mương Sông Lốc là mương thoát nước của khu dân cư, chảy từ khu vực đường Hoàng Hoa Thám, qua các tổ dân phố của phường Vĩnh Phúc rồi đổ ra sông Tô Lịch. So với trước kia, lòng mương hiện tại bị thu hẹp khá nhiều do một số hộ dân lấn chiếm. Có mặt tại ngõ 626 đường Bưởi chiều 29-6, ông Hải chỉ cho chúng tôi xem con mương "chết". Nước dưới mương dường như không chảy, mặt mương nổi lềnh phềnh đầy rác thải, túi nilon, vỏ bánh kẹo, sữa hộp, kèm theo đó là những váng đen dày đặc, bốc mùi khó chịu.
Ngõ 626 đường Bưởi là khu vực trũng nhất phường, nằm sâu dưới mặt đường, "kẹp" giữa góc đường đê Bưởi và Hoàng Hoa Thám. Hai con phố này không có vỉa hè và hệ thống thoát nước ven đường, vì vậy cứ mưa là nước chảy dồn xối xả xuống khu vực thấp trũng. Kèm theo nước mưa là đất cát, lá cây, rác thải… Nước nhanh chóng biến ngõ thành "sông", có đoạn sâu tới 20-30cm. Con mương "chết" không tiêu thoát kịp, lại nhận lượng nước lớn dồn xuống, dềnh ngược nước bẩn trở lại. Nhiều hộ phải "be bờ", xây gạch ngăn không cho nước tràn vào nhà. Ông Lê Thanh Hải cho biết: "Nhiều năm nay, lần nào mưa cũng vậy, ngõ xóm đều ngập nước, phải 2-3 ngày sau mới rút, gây ô nhiễm trầm trọng. Người dân đi lại, các cháu đi học rất khổ sở".
Không ít lần các hộ dân phản ánh lên UBND phường Vĩnh Phúc, mong muốn sớm có dự án cống hóa mương nước lộ thiên, khắc phục tình trạng ô nhiễm, chống úng ngập... Thế nhưng, việc triển khai cống hóa không được cơ quan chức năng phê duyệt, với lý do "nằm trong quy hoạch chỉ giới đường Vành đai 2". Giải pháp tình thế được phường thực hiện là làm việc với Công ty Môi trường đô thị để vớt rác, khơi thông lòng mương. Song, người dân ở đây cho biết, gần 4 năm, Công ty Môi trường mới cho người xuống tổng vệ sinh một lần, sau đó lại bỏ bẵng nên đâu lại hoàn đấy, tình trạng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe và đời sống của người dân ngõ 626 đường Bưởi, đề nghị UBND quận Ba Đình, phường Vĩnh Phúc sớm khảo sát, có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, úng ngập xảy ra triền miên tại khu vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.