(HNM) - Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện bộ mặt đô thị, hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, nhằm tạo sự chuyển biến trong ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng người dân Thủ đô thì việc thực hiện nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt là vấn đề đặc biệt quan trọng. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Ngọc Chính. |
Nền tảng cho đầu tư phát triển
- Kể từ năm 2008, địa giới hành chính của Thủ đô được mở rộng theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, đô thị Hà Nội nay đã đổi thay nhiều, đặc biệt là việc mở rộng không gian kiến trúc đô thị Hà Nội. Ông cảm nhận như thế nào về vấn đề này?
- Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là quá trình đô thị hóa để Hà Nội có thể đảm nhận vai trò của một Thủ đô đa chức năng bao gồm: Chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa, hợp tác quốc tế… Đến nay, Hà Nội đã rộng tới hơn 3.344km2, với số dân khoảng 7 triệu người, trở thành một trong số những thủ đô có diện tích lớn trên thế giới. Sau gần 6 năm mở rộng địa giới hành chính, các cụm đô thị nói chung đã được đầu tư tốt hơn. Sự chuyển biến rõ nét nhất là bộ mặt đô thị và nông thôn ở những huyện, thị xã thuộc khu vực Hà Tây cũ, hay huyện Mê Linh trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cùng các xã của tỉnh Hòa Bình nhập về Hà Nội. Nhiều công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật bề thế được xây dựng góp phần tạo nên diện mạo Thủ đô văn minh, hiện đại hơn.
- Ngay sau khi địa giới hành chính của Thủ đô được mở rộng, công tác quy hoạch của Hà Nội được đặc biệt chú trọng, thưa ông?
- Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Chính phủ quyết định mời các bên nước ngoài tham gia thiết kế quy hoạch chung Thủ đô. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7-2011 do nhà thầu tư vấn nước ngoài PPJ (liên danh của Mỹ và Hàn Quốc) thực hiện có sự tham gia của tư vấn trong nước và lấy ý kiến nhân dân, các hội chuyên ngành cũng như nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tích hợp đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường và dự báo tương lai cho quy hoạch. Phải nói rằng, đây là một quy hoạch có khối lượng công việc lớn, nhiều thách thức, khó khăn và phức tạp nhưng đã được thực hiện thành công.
- Ông có thể cho biết một số nét cơ bản về đồ án quy hoạch này?
- Quy hoạch tổng thể Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới chỉ là đồ án quy hoạch chung, trong đó bộ khung quy hoạch là những trục giao thông hướng tâm và các đường Vành đai 1, 2, 3, 4, 5. Thành phố hạt nhân, trong đó có đô thị truyền thống như phố cổ, phố cũ kể từ Vành đai 3 trở vào; và những đô thị vệ tinh, kể từ phía bắc xuống là Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai và Phú Xuyên - Phú Minh; các đô thị sinh thái là Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn. Với tầm nhìn chiến lược: Đô thị xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại, Hà Nội được quy hoạch để tạo nên một vùng xanh, bao gồm vùng núi Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Sơn và không gian xanh theo hệ thống sông Hồng, sông Tích, sông Đáy. Hệ thống sông của Hà Nội sẽ trở thành bộ khung về cảnh quan thiên nhiên rất quan trọng. Như vậy, chúng ta đã có bộ khung là nền tảng cho việc đầu tư phát triển Thủ đô.
Quản lý đô thị còn nhiều bất cập
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý đô thị theo quy hoạch của Hà Nội hiện nay còn nhiều bất cập. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
- Mặc dù, chúng ta đã có quy hoạch chung của Thủ đô, bức tranh đô thị Hà Nội đã đẹp hơn, nhưng nhìn tổng thể vẫn chưa được như mong muốn. Đó là hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều nơi còn nhếch nhác, lộn xộn; quảng cáo, biển báo còn tùy tiện gây mất mỹ quan đô thị; môi trường ô nhiễm; đường sá chưa hoàn chỉnh; giao thông tắc nghẽn; tình trạng vứt rác, xả nước thải bừa bãi còn phổ biến ở nhiều tuyến đường. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, công trình công cộng; lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép; hồ ao nhiều nơi bị lấp; hệ thống thoát nước bẩn và nước mưa có nhiều vấn đề; tổ chức giao thông ở một số tuyến đường, phố, nút giao thông còn chưa khoa học… Vì vậy, việc quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch là vấn đề rất bức thiết để lập lại trật tự.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những bất cập này?
- Tôi cho rằng, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính nhưng chưa có đủ kinh phí để làm quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Thêm vào đó, do yêu cầu của các nhà đầu tư nên nhiều lúc cũng phải xem xét lại. Chính sách của ta nhiều khi chưa gắn liền với thực tiễn, còn thiếu và chưa đồng bộ; quản lý đô thị từ cấp trung ương cho đến cấp quận, phường còn bộc lộ sự yếu kém; năng lực và trình độ quản lý đô thị của các địa phương chưa đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh của đô thị; sự phát triển về quy mô đô thị chưa đi đôi với việc nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị, nên những tồn tại chưa được khắc phục triệt để.
- Ngoài những vấn đề trên, công tác quy hoạch Hà Nội cần được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Nói đến quy hoạch của Hà Nội, có rất nhiều việc phải làm, bao gồm cả quy chế quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Tôi cho rằng, muốn quá trình đô thị hóa tốt thì phải có quá trình thực hiện nghiêm về quy hoạch. Quy hoạch đồng bộ là phải làm ở dưới trước, trên sau, hệ thống thoát nước, cấp nước, hệ thống tuynen để cấp cho cả hệ thống dịch vụ đô thị; vỉa hè phải được quản lý, chỗ nào cho buôn bán mới được buôn bán...
Quan hệ không thể tách rời
- Công tác thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị là khâu hết sức quan trọng để triển khai các ý tưởng, mục tiêu quy hoạch đô thị lập ra. Vậy, vấn đề đặt ra đối với việc quản lý thực hiện quy hoạch của Hà Nội là gì?
- Vấn đề quản lý đã được Luật Quy hoạch đô thị quy định rõ: “Mỗi dự án quy hoạch đều phải lập, phê duyệt quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị được phê duyệt...”. Quản lý xây dựng đô thị là quá trình thực tiễn, luôn phải xử lý các tình huống với những đặc thù khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp quản lý xây dựng đô thị cụ thể, nâng cao tính minh bạch để bảo đảm khả năng tập trung nguồn lực đầu tư, khả năng thích ứng với những diễn biến của thị trường. Đồng thời, cần huy động được sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng ngay từ quá trình lập quy hoạch, hạn chế những tác động bất lợi của quy hoạch “treo”.
- Là người từng được tham gia xây dựng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, theo ông, việc thực hiện quy hoạch này đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô?
- Sau khi có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở Hà Nội còn thiếu, không đồng bộ và chất lượng có vấn đề do có nhiều tư vấn với năng lực hạn chế tham gia. Chẳng hạn như quy hoạch mạng lưới giao thông; mạng lưới chợ; mạng lưới cấp điện, cấp nước; mạng lưới các công trình văn hóa, thể thao, trường học, bệnh viện; mạng lưới cây xanh, mặt nước… Quy hoạch các quận, huyện, quy hoạch các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, các dự án… hiện nay vẫn chưa có được sự khớp nối đồng bộ về hạ tầng và khớp nối về không gian. Hệ thống quy hoạch sau quy hoạch chung của Hà Nội còn chậm nên ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án và xây dựng quy chế quản lý cho từng khu đất. Bởi vậy, quy hoạch đô thị và quản lý theo quy hoạch có mối quan hệ không thể tách rời.
- Những nơi chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì quản lý ra sao, thưa ông?
- Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã có ý kiến, quy hoạch phân khu nếu phủ kín cho cả Hà Nội thì phải có kinh phí rất lớn và cần nhiều nhân lực tư vấn có kinh nghiệm. Vì thế, quy hoạch phân khu phải hết sức đồng bộ tỉ mỉ. Khu vực nào cần thiết, nhìn thấy khả năng đầu tư thì phải phân khu để xây dựng quy hoạch chi tiết và nơi chưa có quy hoạch phân khu sẽ được quản lý theo quy chế quy hoạch chung.
Thiết lập “gậy” điều hành
- Quy chế quy hoạch là “cái gốc” rất quan trọng để tạo nên một đô thị có bản sắc, văn minh và hiện đại. Bên cạnh việc quy hoạch có chất lượng thì chúng ta phải xây dựng quy chế như thế nào?
- Theo tôi, quy chế quản lý đô thị phải đi vào chi tiết cụ thể, theo chuyên môn của công tác quy hoạch. Quy hoạch thế nào thì quản lý như thế; nghĩa là quản lý theo phân cấp, từ quy hoạch cao đến quy hoạch thấp; từ hệ thống hạ tầng xã hội đến hạ tầng kỹ thuật và những vấn đề kiến trúc phải được quản lý hết sức sát sao thông qua quy chế quản lý của quy hoạch. Quy chế là “gậy” để điều hành toàn bộ; hay nói cách khác, đó là luật định để thực hiện quy hoạch. Vấn đề quan trọng theo tôi là làm thế nào để nhanh chóng xây dựng xong quy chế. Hiện nay, các hội nghề nghiệp đã đóng góp ý kiến và thành phố đang giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội triển khai nhiệm vụ này.
- Theo ông, thách thức lớn nhất đặt ra cho việc thực hiện quy chế quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội là gì?
- Hiện nay, trách nhiệm của các bộ, ngành còn chồng chéo trong lĩnh vực quản lý đô thị nên cũng gây ra những hệ lụy đáng kể trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, vấn đề khúc mắc nhất ở đây chính là công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp phường, xã còn nhiều bất cập về trình độ quản lý; vẫn còn biểu hiện nhũng nhiễu và hay tìm cách “lách” luật. Chính điều này đã khiến cho trật tự đô thị ở Thủ đô không được thực hiện nghiêm, làm biến dạng và méo mó chính sách...
- Để quản lý đô thị đi vào nền nếp, kiến trúc đô thị có không gian hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, ông có thể cho biết những yêu cầu đối với quy chế quản lý quy hoạch hiện nay?
- Theo tôi, quan trọng là phải có thiết kế đô thị tốt, trên cơ sở đó phải có quy chế quản lý tốt và người quản lý phải có trình độ về lĩnh vực này. Việc thiết kế không gian đường phố rộng hẹp, kiến trúc cao tầng như thế nào; hình thức kiến trúc, màu sắc, ánh sáng, biển quảng cáo ra sao… đều phải nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng, để việc quản lý đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và kế hoạch được duyệt, thành phố cần cụ thể hóa Luật Thủ đô, các văn bản hướng dẫn thi hành và có các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm minh; xây dựng chế tài đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch; phân cấp mạnh mẽ và rõ ràng trách nhiệm giữa các cấp, các ngành; đồng thời cần đơn giản thủ tục hành chính và tạo hành lang pháp lý có hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.