(HNM) - Cách đây hai ngày, một bản tin truyền hình với nội dung liên quan đến vắc xin phòng bệnh cho trẻ, cụ thể là loại
Bản tin cho thấy các phóng viên đã liên hệ với "cò vắc xin", theo đó, một liều vắc xin "6 trong 1" có thể được tiêm cho trẻ với giá 6 triệu đồng - cái giá được cho là "kinh khủng" - dù người sử dụng không thể xác định chính xác về chất lượng, nguồn gốc vắc xin.
Liên quan đến vấn đề nói trên, những ngày vừa qua, thông tin trái chiều về vắc xin Quinvaxem và sự lợi - hại từ việc sử dụng chúng được dư luận đặc biệt quan tâm. Một số người chia sẻ thông tin về loại vắc xin này trên mạng xã hội, theo nghĩa "nghĩ kỹ trước khi dùng" vì hệ lụy có thể xảy ra với trẻ. Có ấn phẩm báo chí được cấp phép dẫn ý kiến chuyên gia, qua đó đặt vấn đề về tác dụng phụ sau khi tiêm và nguyên nhân có thể dẫn đến điều không mong muốn này.
Những thông tin nói trên có sức tác động mạnh đến phụ huynh của trẻ trong độ tuổi cần sử dụng loại vắc xin phòng bệnh, khiến nhiều người hoang mang, bất kể hình thức lan truyền thông tin là gì. Dù ngành Y tế có quan điểm khác về tác dụng của Quinvaxem và đã thể hiện điều đó qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng trước luồng thông tin nói trên, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại liệu có nên cho con em mình sử dụng Quinvaxem nữa hay không; nếu không thì biết cho con sử dụng loại vắc xin gì để phòng bệnh khi loại vắc xin dịch vụ cùng tác dụng hầu như không còn nữa, và cũng không thể biết đến khi nào mới có thể được nhập về với số lượng đủ đáp ứng nhu cầu…
Thực tế cho thấy, nếu không thuyết phục được người tiêu dùng, giúp họ dẹp bỏ nỗi lo về Quinvaxem, nhất là khi đã có trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm phòng dù nguyên nhân được xác định không liên quan đến chất lượng vắc xin, hậu quả có thể rất lớn. Sự phân vân có thể khiến phụ huynh tìm đến những cơ sở y tế hoạt động chui, sử dụng loại vắc xin có giá cắt cổ dù bản thân họ không thể xác định vắc xin được tiêm cho con mình có nguồn gốc từ đâu, có bảo đảm chất lượng hay không. Mối hại lớn hơn có thể xảy ra là nhiều người có thể chần chừ trong việc cho con đi tiêm vắc xin đúng hạn hoặc quyết định không cho tiêm nữa, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh nói chung.
Những diễn biến nói trên cho thấy ngành Y tế cần tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ về Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tăng tính thuyết phục khi thông tin về các loại vắc xin, đặc biệt là thông tin nhanh chóng, chính xác khi việc tiêm chủng để lại hậu quả không mong muốn ở nơi nào đó. Công tác tuyên truyền cần đi đôi với việc thực hiện giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý, giải pháp chuyên môn liên quan đến việc bảo quản vắc xin, thực hiện quy trình tiêm chủng… Với những loại vắc xin dịch vụ có thể được nhập về trong nay mai, như truyền thông đưa là vắc xin của Bỉ và có thể là Pháp nữa, cơ quan quản lý cần có giải pháp nhằm minh bạch thông tin liên quan, chẳng hạn như những loại này được phân bổ về đâu, số lượng là bao nhiêu… và kiểm soát chặt chẽ nhằm loại bỏ tình trạng "găm hàng, gây sốt" để trục lợi.
Tiêm chủng mở rộng là một chương trình lớn, có ích. Muốn chương trình đó phát huy tác dụng đầy đủ, đem lại hiệu quả phòng chống dịch bệnh trong thực tế, điều quan trọng là bảo đảm cho mọi người dân không phải băn khoăn khi tham gia vào chương trình đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.