Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn phát triển bền vững phải chú trọng phát triển văn hóa

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức| 17/10/2020 11:06

(HNNN) - Muốn phát triển bền vững thì ngoài phát triển hài hòa kinh tế, môi trường, xã hội, Thủ đô Hà Nội cần đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa. Với bề dày văn hóa, lịch sử 1010 năm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống chính là yếu tố quan trọng bậc nhất để chúng ta phát triển Thủ đô một cách bền vững.

Nền văn hóa lâu đời là nguồn tài nguyên vô giá, tài sản vô cùng quý giá của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ảnh: Nam Trần

Một lý do nữa để khẳng định văn hóa là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững Thủ đô, đó là theo như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã cảnh báo, bất kỳ một nơi nào chỉ phát triển kinh tế mà không coi trọng yếu tố văn hóa thì đều dẫn tới một hệ lụy đó là kinh tế không phát triển bền vững và văn hóa sẽ ngày càng suy thoái. Có thể nói đây là một cảnh báo rất đáng lưu tâm.

Nhìn rộng hơn, dựa trên tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hay dựa trên quan điểm về xây dựng văn hóa, xây dựng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, thì phát triển văn hóa chính là vì con người, và phát triển vì con người mới có thể phát triển bền vững.

Vậy phát triển văn hóa là phát triển những gì? Đó là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng... Bởi giữ gìn những di sản văn hóa của ông cha để lại, nhìn rộng ra có thể góp phần phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác, đặc biệt là các ngành dịch vụ... Tiếp đó, cần tạo nhận thức sâu sắc của toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa và không nên coi nhẹ ngành công nghiệp này bởi nguồn lợi thu được từ ngành công nghiệp này rất lớn. Ngoài ra, cần chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu...

Dựa trên những tiêu chí trên, có thể khẳng định Thủ đô có đầy đủ điều kiện để phát triển văn hóa bởi Hà Nội có một truyền thống văn hóa, lịch sử hàng ngàn năm văn hiến. Hà Nội có thể có những bước đi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn so với bất kỳ nơi nào khác bởi vì Hà Nội có một tài nguyên vô cùng phong phú, một tài sản vô cùng quý giá, đó là nền văn hóa lâu đời tồn tại trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn phát triển bền vững phải chú trọng phát triển văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.