Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Muốn nghệ thuật phát triển thì phải gây dựng được hệ thống khán giả''

Trà Giang| 04/07/2020 06:08

(HNMCT) - Từ khi còn là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mùi đã luôn đau đáu với vấn đề đào tạo khán giả. Theo bà, đó là “chìa khóa” để giải quyết bài toán về tương lai của sân khấu. Hiện tại, là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nghệ sĩ Thúy Mùi cùng các cộng sự đang xây dựng đề án về đào tạo khán giả. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà xung quanh vấn đề này.

- Thưa Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mùi, bà đánh giá như thế nào về yêu cầu đào tạo khán giả trong tình hình hiện nay?

- Sân khấu đang đứng trước 3 vấn đề lớn, cần giải quyết để vực dậy nền sân khấu, đó là vấn đề tác giả, đạo diễn và khán giả. Trong đó, khán giả là vấn đề sống còn. Chúng ta có đầu tư cho sân khấu nhiều bao nhiêu, có nhiều vở diễn hay bao nhiêu đi nữa nhưng không có khán giả thì diễn cho ai xem? Khán giả là người nuôi sống sân khấu, không đặt đúng vấn đề khán giả sẽ không thể xã hội hóa thành công. Tuy nhiên, vấn đề khán giả bị đứt đoạn nhiều năm nay do chúng ta chưa có sự quan tâm đầu tư thích đáng.

- Phải chăng vì lý do đó mà bà cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang triển khai xây dựng đề án về đào tạo khán giả cho sân khấu?

- Đúng vậy, chúng tôi đang xây dựng đề án cấp Bộ về phát triển khán giả cho sân khấu theo đặc trưng nghệ thuật của mỗi vùng miền. Chẳng hạn với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ thì sẽ đưa cải lương vào trường học; với các tỉnh miền Trung là dân ca và tuồng, còn các tỉnh miền Bắc là nghệ thuật chèo và kịch. Muốn nghệ thuật phát triển thì phải gây dựng được hệ thống khán giả, nhất là ở chính cộng đồng nơi nghệ thuật đó sinh ra. Các em học sinh cần được tiếp cận, hiểu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật, từ đó mới có thể yêu, hình thành thói quen xem nghệ thuật... Dự định năm nay chúng tôi sẽ hoàn thành các thủ tục cần thiết để năm 2021 đưa đề án vào thực hiện thí điểm.

- Việc đưa một nội dung mới vào chương trình đào tạo không phải là điều đơn giản, nhất là khi chúng ta đang cố gắng giảm tải cho học sinh. Chúng ta tính toán vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay chương trình đào tạo của các cấp đã “kín lịch”, do vậy, đề án mới dừng ở mức thí điểm đưa sân khấu vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh. Trước mắt, chúng tôi xây dựng chương trình thí điểm ở cả 3 cấp học phổ thông theo một mô hình chung cho cả nước. Đó là ở mỗi buổi sinh hoạt, các em sẽ được cung cấp kiến thức chung về loại hình, hiểu đặc trưng cũng như cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật đó và được thưởng thức trực tiếp một số vở diễn, trích đoạn đặc sắc.

- Như vậy, đề án này có gì khác với Dự án Sân khấu học đường mà Cục Nghệ thuật biểu diễn từng triển khai, thưa bà?

- Với Dự án Sân khấu học đường, chúng ta đưa sân khấu vào trường học như một môn học ngoại khóa với mục tiêu phát hiện và đào tạo nhân tố mới cho nghệ thuật, dạy các em trở thành diễn viên. Tuy nhiên, do thời gian đào tạo ít, đội ngũ đào tạo chưa bài bản nên Dự án Sân khấu học đường chưa thực sự phát huy hiệu quả. Để đào tạo được một diễn viên chuyên nghiệp thì cần rất nhiều thời gian, công sức, nếu đào tạo chưa tới, chưa đúng thì có thể làm méo mó cái nhìn về nghệ thuật.

Đề án xây dựng khán giả cho sân khấu không đặt mục tiêu đào tạo sâu như vậy mà chỉ để các em được tiếp cận, hiểu để yêu chứ không phải đào tạo làm nghề như các cô chú diễn viên. Chúng tôi chỉ cần mỗi năm học, mỗi cấp học các em được xem, được nghe về nghệ thuật truyền thống một vài lần, nhưng phải là xem những gì tinh túy để ấn tượng đẹp về nghệ thuật truyền thống sẽ theo các em suốt cả cuộc đời.   

- Theo đề án, chính các nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ đảm đương trách nhiệm đưa nghệ thuật đến trường học. Vậy, với số trường và số học sinh quá lớn như hiện nay, liệu các nhà hát có đảm đương tốt nhiệm vụ này?

- Việc đào tạo khán giả cho sân khấu đòi hỏi phải dài hơi, không thể tính “một sớm một chiều”, cần có sự góp ý, vào cuộc của rất nhiều ngành, của các nhà chuyên môn về nghệ thuật, về giáo dục... Giai đoạn 1 của đề án là thực hiện thí điểm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, từ đó rút ra bài học, mô hình để áp dụng chung cho cả nước. Đề án thực hiện ở tỉnh, thành phố nào thì huy động lực lượng nghệ sĩ tại các đơn vị nghệ thuật của địa phương đó. Như Hà Nội có nhiều trường học nhưng trên địa bàn không chỉ có các đoàn nghệ thuật thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mà còn có rất nhiều đơn vị nghệ thuật trung ương. Tôi nghĩ, nếu có sự đồng lòng vào cuộc thì sẽ không có việc gì khó. Các nghệ sĩ phải xác định xây dựng khán giả là trách nhiệm của mình, nhằm tạo dựng tương lai cho môn nghệ thuật mà mình theo đuổi. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn có điều kiện đào tạo cơ bản cho sinh viên các trường sư phạm về nghệ thuật sân khấu, tạo nguồn lực tại chỗ cho công tác giảng dạy sau này tại địa phương. Các em học sinh được nghe chính thầy cô của mình phân tích cái hay, cái đẹp của nghệ thuật thì khi xem cô chú diễn viên biểu diễn sẽ dễ hiểu hơn, hứng thú hơn rất nhiều. Tôi cùng cố Giáo sư Hà Văn Cầu từng đến nói chuyện với sinh viên các ngành sư phạm, văn hóa..., thấy rằng các bạn sinh viên rất yêu thích nghệ thuật. Tôi nghĩ, khi tạo ra được nguồn lực tại chỗ thì việc đào tạo khán giả sẽ bền vững hơn.

- Ngay từ khi còn là lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội bà đã rất quan tâm tới vấn đề đào tạo khán giả cho sân khấu và đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vậy theo bà, đâu là điều khó nhất khi thực hiện đề án xây dựng khán giả ở quy mô toàn quốc?

- Khó nhất vẫn là vấn đề kinh phí. Như tôi đã nói, đây là một dự án dài hơi và hiệu quả của công tác đào tạo khán giả không thể nhìn thấy “một sớm một chiều”, nên rất cần sự đồng hành của Nhà nước, sự đồng lòng của các nhà trường, phụ huynh... Chúng ta phải tiến hành từng bước, vừa làm vừa truyền thông để cộng đồng thấy được vai trò của giáo dục nghệ thuật trong trường học, tìm thêm nguồn lực hỗ trợ các địa phương.

Tuy nhiên, tôi rất tự tin về đề án này. Trước đây, các buổi biểu diễn cho học sinh của Nhà hát Chèo Hà Nội luôn kín khán giả. Nhà trường, gia đình và bản thân các em đều thấy hứng thú. Ở Hà Nội hiện cũng có nhiều trường đã chủ động tìm đến các nghệ sĩ với mong muốn đa dạng hóa nội dung học tập cho học sinh, mang đến cho các em những điều mới mẻ. Quan trọng là mình làm chương trình sao cho phù hợp, hấp dẫn với từng lứa tuổi để thật sự tạo ấn tượng cho các em.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Muốn nghệ thuật phát triển thì phải gây dựng được hệ thống khán giả''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.