(HNM) - Ngày hội của giới điện ảnh nước nhà - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (LH) vừa kết thúc hôm qua, 17-12 tại thành phố biển Tuy Hòa, Phú Yên. Mỗi một kỳ liên hoan là một dịp nền điện ảnh nước nhà có cơ hội đến gần hơn với công chúng và mỗi chặng đường đó đều ghi dấu những buồn, vui…
1. Nhà tổ chức LH bắt đầu chiếu phim cho khán giả Phú Yên từ ngày 12 (trước lễ khai mạc LH ba ngày). Để phục vụ cho hoạt động này, cơ sở điện ảnh của Phú Yên như "lột xác". Điển hình là rạp Hưng Đạo được đầu tư hai tỉ đồng để làm mới mà nói như ông Mỹ Sang, một khán giả Phú Yên, một cựu chiến binh cùng thời với "Mùi cỏ cháy" thì "đó là một trang mới cho hệ thống rạp chiếu phim ở Tuy Hòa bởi rạp Hưng Đạo trước đây nát như tương, ngồi xem phim có thể thấy chuột chạy dưới chân". Những nơi khác, như Nhà văn hóa Lao động, Trung tâm văn hóa Diên Hồng… cũng trở nên tươi mới, sôi động hơn hẳn. Cho dù "đến rồi lại đi" nhưng LH là cái cớ để làm thức dậy một phần hệ thống thiết chế văn hóa, làm cơ sở cho một cuộc trở về với công chúng vùng Nam Trung bộ của điện ảnh nước nhà.
2. Nhưng chỉ lo cho rạp chiếu, nhà hát không thôi liệu đã đủ chưa? Làm thế nào để có khán giả?
Thói quen "lâu không đến rạp" có lẽ đã ám ảnh nhà tổ chức nên, dường như, đã có một cuộc vận động để rạp chiếu được lấp đầy. Một phương án không thể khả thi hơn là hướng tới đối tượng học sinh, những người luôn háo hức trước những sự kiện văn hóa sôi nổi. Kết quả là rạp chiếu có nhiều người xem, không mấy ai chú ý đến những lúc học sinh ồ lên, nhiều em xấu hổ ôm mặt quay đi khi trên màn ảnh xuất hiện cảnh "nóng" hoặc một tình huống dữ dội. Ông Nguyễn Danh Dương (Trưởng tiểu ban Chiếu phim - Giao lưu khán giả) nói: "BTC đã giới hạn độ tuổi với hai phim có yếu tố nhạy cảm là "Để mai tính" và "Hotboy nổi loạn…". Theo một thông tin khác thì lý do khiến học sinh "bị" xem một số phim không phù hợp là do các trường sắp xếp cho học sinh đi dự LH đã căn cứ vào tên phim để chọn.
Ai cũng biết cảnh "nóng" trong phim phục vụ ý đồ của đạo diễn, chúng không hẳn đã phù hợp với mọi khán giả, nhất là lứa tuổi thiếu niên. Để có khán giả mà khiến HS "vớ" phải thứ không phù hợp, cũng là điều phải xem lại.
3. Có ý kiến cho rằng nên tổ chức LH cố định ở một nơi. Làm như thế sẽ định hình được một sinh hoạt nghề nghiệp hấp dẫn, thu hút nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đi kèm… Nhưng đấy là trong điều kiện khâu tổ chức phải thực sự chuyên nghiệp. NSƯT Đinh Anh Dũng (tác giả kịch bản khai mạc, bế mạc LH lần thứ 16) là người sớm đưa ra ý tưởng tổ chức LH ở một thành phố cố định. Nhưng anh cũng thừa nhận ta chưa có nhà tổ chức sự kiện điện ảnh chuyên nghiệp. Phải có một số người làm quen công việc này, để đến kỳ LH thì chỉ cần gắn thêm một vài nhân tố là hoạt động nhịp nhàng. Ở ta hiện nay, mỗi kỳ LH lại thấy một cuộc "hôn nhân mới" trong khâu tổ chức.
Ba ngày LH đã thấy con đường đến với khán giả của điện ảnh Việt Nam có đủ buồn vui, trăn trở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.