Không góp ý cụ thể về những phương án đổi mới thi quốc gia, về đề thi, về tổ chức thi hay cách dạy cách học hiện nay…, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, góp ý về bộ máy quản lý giáo dục - vấn đề bất cập lớn nhất hiện nay của ngành giáo dục.
xin giới thiệu bài viết góp ý về đổi mới giáo dục hiện nay của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. |
Có lẽ đến lúc này, vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã được hàng vạn người bàn bạc và góp ý. Thế mà, câu chuyện xem ra còn lâu mới nhất trí được. Vì thế, tôi xin bàn tiếp:
1. Muốn đổi mới sự nghiệp giáo dục, trước hết hãy thay những bộ phận cũ kỹ, lởm khởm, hết khả năng thích ứng cái mới, trong bộ máy quản lý giáo dục. Bộ máy giáo dục hiện đang vận hành có nhiều chỗ đã hủ hóa (cũ nát) do hành chính hóa và quan liêu hóa. Bộ trưởng mà không cương quyết tháo gỡ và bỏ đi những bộ phận đã lỗi thời và bệnh hoạn đó thì Bộ trưởng còn khổ với nó.
Ví dụ: Những chủ trương vừa mới ký đã phải bãi bỏ là bằng chứng về những chuyên gia “rởm” của Bộ GD-ĐT.
Trong giáo dục có tham ô, lãng phí, rửa tiền, thương mại hóa? Dân bảo là có và có không ít. Nhưng nếu Bộ GD-ĐT bắt dân phải dẫn chứng thì dân không dám lên tiếng trước cơ quan công quyền đâu. Song ở quán nước, bên mâm cơm gia đình, trên tàu xe..., dân nói với nhau về điều này nhiều lắm.
Nhà thiên văn học Galilê nói rằng, Trái đất quay. Giáo hội bắt ông nói “Trái đất đứng yên”, ông phải nói theo. Ra khỏi giáo đường, ông nói “Dù sao Trái đất vẫn quay". Câu chuyện là thế, bộ máy cũ, cán bộ cũ, tư duy cũ và những tiêu cực là một sự thật; bộ máy như thế không làm nên sự đổi mới đâu.
2. Cần nói thẳng rằng, giáo dục của ta có những sai lệch tai hại mà không sửa, cứ để cái sai lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác.
-Nền giáo dục hiện đại có 2 chức năng quan trọng là xã hội hóa con người và nghề nghiệp hóa con người. Để thực hiện tốt tốt 2 chức năng đó, hệ thống giáo dục phải là một hệ thống thực học và thực nghiệp.
Trên thực tế, câu chuyện có vẻ ngược lại.
-Nhà nước chủ trương xây dựng xã hội học tập, yêu cầu mỗi người phải học tập suốt đời để trở thành người lao động có nghề và hành nghề với năng suất cao thì ta lại bắt bọn trẻ học tập suốt ngày, học đến mụ cả người, đến nỗi nói đến học là thấy mệt và kêu chán.
-Về lý thuyết, giáo dục phải là quá trình xây dựng những năng lực hoạt động, những kỹ năng sống để trở thành những nhân cách với tư cách là chủ thể lao động sáng tạo, nhưng học sinh và sinh viên lại buộc phải nhét đầy trí nhớ những kiến thức sách vở, để rồi rời ghế nhà trường sẽ quên hết hoặc không đùng đến.
-Đáng lý ra, giáo dục phải tri thức hóa con người, giúp cho con người có được một trình độ học vấn và một trình độ tay nghề cần thiết, thì hầu như giáo dục đang hướng học sinh bằng mọi cách vào được đại học để có cái bằng đại học. Hiện tượng học giả bằng thật ngày càng phổ biến.
Có một hiện tượng chỉ có ở Việt Nam: Rất nhiều cử nhân và thạc sĩ sau khi được cấp bằng đã phải xin đi học nghề để kiếm việc làm. Những người này giá như ngay sau khi tốt nghiệp trường phổ thông mà theo học trường nghề thì đâu đến nỗi phải bỏ phí 4 năm theo học đại học và một số người còn bỏ phí cả 3 năm học cao học.
3. Nền giáo dục của ta hiện nay là nền giáo dục “tốn tiền” mà chất lượng giáo dục không cao. Cứ vào đầu năm học, những gia đình phải xin học cho con rất khốn khổ, phải chạy cho ra những khoản đóng góp. Nguy hiểm hơn là tồn tại một thị trường ngầm. Người dân vì nó mà “méo mặt”.
Ngày đầu Cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thực hiện một nền giáo dục không mất tiền. Tôi nhắc lại ý này thì không ít người bảo tôi là lỗi thời, bây giờ giáo dục không thu tiền thì làm sao mà các trường hoạt động được.
Nếu tôi không nhầm thì một nhà nước phấn đấu để nền giáo dục “không mất tiền” sẽ ưu việt hơn khi làm ngược lại. Trường tư mọc lên nhan nhản (mà hầu hết là trường kém chất lượng). Càng nhiều trường tư thì có nghĩa là giáo dục đang ngày càng “mất tiền”. Mà thôi, nếu mất nhiều tiền mà chất lượng đào tạo cao thì có thể chẳng phải bàn nhiều. Nhưng, sự thật không thế.
Một lần, nhân ngồi nói chuyện với bà Lotta, đại diện UNICEF ở Việt Nam, để bàn về phối hợp công tác khuyến học, tôi được biết bà là người Thụy Điển.
Tôi nói với bà: Tôi đang nghiên cứu về an sinh xã hội. Qua nghiên cứu, tôi thấy nhà nước phúc lợi Thụy Điển (và những nhà nước phúc lợi trên bán đảo Scandinave) rất hấp dẫn tôi. Tôi rất mong dân nước tôi sẽ có một ngày sẽ được hưởng các khoản phúc lợi như dân Thụy Điển.
Bà Lotta trả lời tôi: Cảm ơn ông đã có nhận xét tốt đẹp về nhà nước Thụy Điển. Tôi thấy hạnh phúc và tự hào khi ở đất nước tôi không có trường tư.
4. Những lệch lạc, lúng túng trong cách làm giáo dục hiện nay có một nguyên nhân rất cơ bản: chúng ta thiếu những cơ sở khoa học cho việc đổi mới giáo dục.
Muốn khắc phục những kiếm khuyết của giáo dục hiện nay, Bộ giáo dục cần có cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục đủ năng lực giúp lãnh đạo Bộ triển khai tốt Chương trình Đổi mới căn bản và toàn diện của Nhà nước.
Nếu sửa những chỗ yếu kém của giáo dục bằng sự đắp vào đó những kinh nghiệm của các nước ngoài một cách máy móc thì giáo dục không những chẳng đổi mới mà còn là một nền giáo dục mất tính khoa học và tính dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.