(HNM) - Lo lắng bởi nạn thực phẩm “bẩn”, người tiêu dùng tìm đến những cửa hàng, siêu thị mini để tìm mua thực phẩm an toàn.
Chấp nhận chi thêm tiền để mua sự an toàn
Tại Hà Nội, hiện nay người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được cửa hàng có gắn biển nông sản, thực phẩm sạch - nơi có đủ loại thực phẩm thiết yếu, từ rau, củ, quả đến đậu phụ, thịt lợn mán, thịt lợn hữu cơ, cá thu, cá hồi… Điều quan trọng là tất cả hàng hóa đều được gắn mác “sạch” dù không phải nơi nào cũng đưa ra được bằng chứng thuyết phục về sự "sạch" đó.
Người tiêu dùng hầu như không có cơ sở để phân biệt rõ ràng về thực phẩm an toàn với thực phẩm “bẩn”. Ảnh: Khánh Huy |
Sự thiếu thông tin dẫn đến cách lựa chọn sản phẩm an toàn... dựa trên giá cả. Theo kinh nghiệm của bà Đặng Thị Mẫn (ở Ngọc Lâm, Long Biên), hiện nay, thực phẩm trên thị trường được bán với nhiều loại giá. Thực phẩm ở những chợ đầu mối có giá rẻ nhất, tiếp đến là ở chợ "cóc", những gánh hàng rong, sau đó là thực phẩm trong siêu thị và cuối cùng là ở các cửa hàng thực phẩm sạch. Giá rau, củ, quả tại các siêu thị và nhất là ở cửa hàng rau an toàn thường được bán với giá cao hơn so với giá ở chợ truyền thống khoảng 2 đến 3 lần, thậm chí có loại đắt gấp 5-6 lần. Chẳng hạn, giá bắp cải ở chợ là 8.000 đồng/kg nhưng giá bán trong siêu thị là 15.000-20.000 đồng/kg, còn tại các cửa hàng thực phẩm sạch thì giá bán lên tới 25.000-30.000 đồng/kg. Ở ngoài chợ, dưa lê có giá 12.000-15.000 đồng/kg, nhưng loại quả này có thể được bán với giá 25.000-30.000 đồng/kg tại siêu thị hay cửa hàng rau sạch...
“Giá cao là vậy, nhưng vì sức khỏe của gia đình nên tôi vẫn chấp nhận mua. Là đặt niềm tin vào cửa hàng chứ tôi cũng không biết là họ có những giấy chứng nhận gì, nguồn gốc thực phẩm ra sao… Điều khiến tôi yên tâm phần nào là các cửa hàng gắn mác “sạch” luôn khang trang, sạch sẽ và thực phẩm “bắt mắt” hơn so với ở chợ dân sinh” - bà Đặng Thị Mẫn nói.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nông nghiệp thông minh Việt - Nhật (được thực hiện vào năm 2016 đối với 250 cán bộ, công chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) thì tại Hà Nội, chỉ có 30% số người được hỏi cho rằng rau trên thị trường là an toàn, 70% còn lại không lạc quan như vậy bởi không rõ nguồn gốc của rau.
Giải pháp trước sự bát nháo của thị trường thực phẩm là gì? 18% trong số người được hỏi nói rằng họ tự trồng rau, củ, quả hoặc mua sản phẩm tại nơi mà người thân, bạn bè giới thiệu; 28,5% tìm đến siêu thị và gần 40% sử dụng sản phẩm tại chợ truyền thống... Điều đáng nói là có tới 36% nói rằng sẽ mua sản phẩm ngay nếu biết rõ nguồn gốc; 28% sẵn sàng trả thêm 100.000-200.0000 đồng/tháng, 25% trả thêm 300.000-500.000 đồng/tháng, 8% trả thêm 500.000-1.000.000 đồng/tháng và 22% có tốn thêm bao nhiêu cũng trả, miễn là mua được thực phẩm thực sự an toàn.
Rõ ràng sạch - bẩn
Thực tế cho thấy thực phẩm "bẩn", thực phẩm an toàn song hành tồn tại trên thị trường và người tiêu dùng hầu như không có cơ sở để phân biệt rõ ràng về từng loại. Sự "tù mù" đó khiến những người có điều kiện kinh tế tìm đến thực phẩm nhập ngoại dù thị trường thực phẩm trong nước vẫn có sản phẩm tốt. Thực tế tiêu dùng cho thấy việc minh bạch thông tin về nông sản, thực phẩm là vô cùng cần thiết, cần được thực hiện một cách nghiêm túc nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, cứu vãn thị trường thực phẩm trong nước. Để làm được điều này, quan trọng là phải quản lý thực phẩm theo chuỗi, nắm chắc nguồn gốc, cách thức nuôi trồng của từng loại sản phẩm có đúng quy trình, có bảo đảm an toàn hay không.
Liên quan đến vấn đề nói trên, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cần tăng cường kiểm tra các cửa hàng thực phẩm sạch để làm rõ về chất lượng sản phẩm tại những cửa hàng này. Tối thiểu thì thực phẩm tại đây phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hoặc phải có “dấu hiệu sạch” để người dân có thể xác định bằng mắt thường, bằng test nhanh…
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban vận động cho Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, điều quan trọng hiện nay là phải tăng cường giám sát, bảo đảm sự minh bạch về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Qua các đợt thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng phải chỉ ra bằng được đâu là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”, những nơi nào cung cấp thực phẩm an toàn để người dân được biết một cách rộng rãi.
Gần đây, tại những cuộc họp liên quan đến vấn đề ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm ATTP, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là với thức ăn đường phố, các nhóm hàng "nổi cộm"… Sau mỗi đợt thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng cần phải công khai tên cơ sở có vi phạm cũng như thông tin rõ ràng về các điểm bán hàng an toàn tại website của Sở Y tế, Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội. Sắp tới, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải công khai niêm yết giấy phép, giấy chứng nhận về ATTP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.