Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn có hiệu quả, phải đặt hàng!

Thế Phương| 13/09/2015 05:51

(HNM) - Tại cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu mới đây, TS Nguyễn Bá Hải, người có 5 sáng chế quốc tế dù mới ở tuổi 28, cho rằng: Đầu tư phải gắn liền với hiệu quả! Đây là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự.



Khi "bỏ vốn" đầu tư, bất cứ ai (Nhà nước hay tư nhân) cũng mong muốn có được hiệu quả cao nhất. Đầu tư cho khoa học công nghệ hay bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy. Tuy nhiên, đầu tư thế nào để những sản phẩm khoa học công nghệ gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả ứng dụng cao thực tế là cả vấn đề.

Nhiều người cho rằng: Đầu tư cho khoa học công nghệ chưa xứng với tiềm năng. Thế nhưng, có một thực tế là kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ ngày càng tăng, khối lượng nghiên cứu ngày càng nhiều..., có điều số lượng đề tài ứng dụng trong thực tế đời sống không bao nhiêu. Theo một thống kê, kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2008-2013 lên tới 12.000 tỷ đồng (trung bình mỗi năm 2.400 tỷ đồng), nhưng chỉ có khoảng 10% số đề tài mang lại hiệu quả thực tế. Như vậy, có thể thấy, kinh phí cho khoa học công nghệ của Nhà nước không nhỏ nếu so với hiệu quả thu được từ nguồn đầu tư này. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghiên cứu để rồi cất vào ngăn kéo?

Có thể nêu ra rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan như: Các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu, các đề tài thường cũ, lạc hậu, không có tính đột phá, không có khả năng ứng dụng... ; thị trường khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, trọng cung hơn trọng cầu, chưa có sự kết nối nên giới khoa học không biết doanh nghiệp cần gì và doanh nghiệp cũng không biết các nhà khoa học có thể làm được gì... Thực tế, nhiều cơ quan nghiên cứu có sản phẩm hữu ích nhưng không thể chuyển giao, trong khi đó, không ít doanh nghiệp phải nhập sản phẩm từ nước ngoài với cái giá không "dễ chịu". Hậu quả là lãng phí nghiêm trọng nguồn lực đầu tư, nguồn lực "chất xám", nói tóm lại là lãng phí nguồn lực xã hội.

Việc hình thành thị trường khoa học công nghệ hay liên kết các nhà khoa học và doanh nghiệp đã được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay thị trường khoa học công nghệ vẫn hết sức manh mún, liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp vẫn hết sức lỏng lẻo... Không thể trách việc doanh nghiệp không mấy quan tâm đến việc đặt hàng nghiên cứu khoa học, bởi lẽ quan tâm đầu tiên của doanh nghiệp là giá thành, chất lượng... Nếu nhập khẩu công nghệ nước ngoài rẻ hơn thì đương nhiên doanh nghiệp phải chọn cách làm mang lại hiệu quả cao nhất cho "hầu bao" của họ. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường "xúc tác" liên kết, một chính sách kích cầu đầu tư cho khoa học là hết sức cần thiết.

Thực tế cho thấy, với những nghiên cứu đặt hàng, có sản phẩm, địa chỉ ứng dụng rõ ràng thường mang lại thành công. Thay vì việc cấp kinh phí trực tiếp, phải tăng cường đặt hàng nghiên cứu khoa học công nghệ cần được xem là một giải pháp ưu tiên. Bởi lẽ làm như vậy không chỉ giải quyết được việc tìm đề tài phù hợp cho các nhà khoa học mà còn mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn, giảm lãng phí nguồn lực cho xã hội. Tuy nhiên, đặt hàng nghiên cứu không đồng nghĩa với việc các nhà khoa học thụ động chờ "sung rụng". Trong một thế giới năng động hiện nay, nếu không nhanh nhạy tìm kiếm đề tài nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ không thể phát huy nội lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn có hiệu quả, phải đặt hàng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.