(HNM) -Thành lập từ năm 2000, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã làm được một khối lượng công việc không nhỏ, có hiệu quả thiết thực. Lúc đầu, chỉ có một số giáo sư, nhà nghiên cứu, chủ yếu thuộc ngành sân khấu do GS Hoàng Chương đứng đầu tham gia công tác với trung tâm.
Múa rối nước là môn nghệ thuật được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nghiên cứu sâu. Ảnh: Thu Giang |
Ngay sau đó, với những việc làm cụ thể, có hiệu quả, tôn vinh và bảo vệ những tinh hoa văn hóa dân tộc, trung tâm đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để trung tâm hoạt động. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều giáo sư và các nhà nghiên cứu nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài, như GS Vũ Khiêu, GS Trần Văn Khê, GS Nguyễn Thuyết Phong, GS Trần Bảng, GSVS Hồ Sĩ Vịnh… và các văn nghệ sĩ: NSND Phạm Thị Thành, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Đàm Liên… đã nhiệt tình ủng hộ và tham gia các hoạt động của trung tâm.
Một đơn vị mới ra đời, hoạt động chủ yếu theo phương thức xã hội hóa gặp không ít khó khăn, thách thức, vậy mà trung tâm vẫn không ngừng lớn mạnh, ngày càng có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong cả nước và đang vươn ra nước ngoài. Điều đó chứng tỏ trung tâm đã đi đúng hướng, góp phần tích cực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, luôn luôn năng động, sáng tạo, biết thu hút được trí tuệ của xã hội, biết tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành và các địa phương. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, trung tâm đã cho ra mắt Tạp chí Văn hiến Việt Nam nhằm giới thiệu những tinh hoa văn hóa đặc sắc của Việt Nam, được đông đảo bạn đọc đón nhận và khen ngợi. Trước đây tạp chí ra một kỳ/tháng, nay đã phát triển lên ba kỳ/tháng và có đại diện ở các miền trong cả nước. Tạp chí không ngừng thu hút được các cây bút có uy tín và đề cập được những vấn đề thời sự nóng hổi trong đời sống văn hóa nước nhà.
Mười năm qua, công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của trung tâm mang tính ứng dụng rất rõ rệt. Các kết quả nghiên cứu không chỉ để ở các phòng nghiên cứu, thư viện mà còn được đưa vào thực hiện trong đời sống nghệ thuật. Những cuộc hội thảo quốc gia lớn về nghệ thuật tuồng do trung tâm tổ chức đã đi đến kết luận: Phát triển nghệ thuật tuồng phải dựa vững chắc trên nền truyền thống. Kết luận đó được triển khai ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn, từ việc dựng lại nguyên tác của Đào Tấn đến việc nghiên cứu cách tân cho đúng. Từ đó cũng giúp cho các đơn vị nghệ thuật tuồng trong cả nước có hướng đi đúng đắn trong việc dựng vở, đào tạo nghệ sĩ, nhạc công… Để gây ảnh hưởng và làm sống lại nghệ thuật Bài chòi trên đất Bắc, trung tâm đã tổ chức huấn luyện, đào tạo một đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp và mới đây đã dựng thành công vở Thoại Khanh - Châu Tuấn trên sân khấu Hà Nội. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trung tâm đã có một chương trình rất độc đáo là phục hồi hát xẩm Hà Thành, được nhiều khán giả hoan nghênh. Bên cạnh đó, cuốn sách Bình Định - Tây Sơn với Thăng Long - Hà Nội dày 1.300 trang, do Giáo sư Hoàng Chương chủ biên cũng rất có giá trị. Ngoài ra, trung tâm đã đi sâu nghiên cứu từng bộ môn nghệ thuật dân tộc: tuồng, chèo, cải lương, quan họ, múa rối… để tìm câu trả lời cho những vướng mắc của từng bộ môn trong đời sống đương đại.
Bằng những cố gắng rất riêng của mình, những năm tới, trung tâm sẽ thực hiện và hoàn thành hai dự án lớn: Văn hóa giao thông và Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên… Tất cả đều là những công việc cụ thể, những vấn đề nảy sinh ngay trong cuộc sống hằng ngày mà mọi người đều quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.