Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mừng nhưng… vẫn lo

Thái Sơn| 15/12/2015 06:04

(HNM) - Tháng 9-2015, theo công bố của Bộ Nội vụ về Chỉ số cải cách hành chính, Bộ Tài chính được xếp hạng thứ 2 trong số 19 bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai các dự án hiện đại hóa công tác thu nộp thuế, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục. Do vậy, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ (giảm 420 giờ).

Đặc biệt, đã có 90,81% doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử. Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính cũng đã triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại 12 cảng biển, doanh nghiệp chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất và giảm được 10-20% chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu…

Tóm lại, với kết quả nêu trên, ngành chủ quản - cụ thể là Bộ Tài chính đã có nhiều cố gắng nhằm cải cách thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực quan trọng nhất của môi trường kinh doanh là thuế và hải quan. Điều đó rất cần thiết để tăng tính công khai, minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp, tiến tới thực hiện hội nhập sâu rộng theo "cơ chế một cửa" với các nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, điều quan trọng hơn là phải tạo ra được sự chuyển biến về nhận thức, thái độ, hành động của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công việc này. Nói vậy bởi suy cho cùng, các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục… đều do con người xây dựng nên. Vì thế, sự thông thoáng về cải cách hành chính chỉ có thể phát huy hiệu quả tối đa trong thực tế nếu những người làm công việc này chủ động chuyển nền hành chính can thiệp sang nền hành chính phục vụ. Nếu không thì những cải cách về thủ tục, giấy tờ... hoặc bố trí trang bị kỹ thuật hiện đại… chỉ đáp ứng sự thay đổi về hình thức mà không thể thay đổi về bản chất mà như người ta vẫn ví von là "một cửa" nhưng… "nhiều khóa" mà thôi.

Dẫn chứng cho phân tích nêu trên, cuối tuần trước, trong Báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố thì thái độ, sự phục vụ của cán bộ, công chức ngành thuế và hải quan vẫn khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Cụ thể, khảo sát tại 180 đơn vị là các hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã, kết quả là 55% doanh nghiệp có tâm lý e ngại nếu không chi trả phí không chính thức - tức là những khoản "lót tay" - trong lĩnh vực thuế, sẽ bị yêu cầu bổ sung giải trình hồ sơ hoặc kéo dài thời gian làm thủ tục; 65% doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết các thủ tục thuế quá dài, 54% số doanh nghiệp cho biết bị yêu cầu bổ sung thêm các thông tin không cần thiết… Tương tự, với ngành Hải quan, các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, 30% cán bộ hải quan không lắng nghe và hơn 20% có thái độ hách dịch, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Đặc biệt, một nửa số doanh nghiệp được khảo sát tỏ ra e ngại nếu không trả chi phí không chính thức cho hải quan sẽ bị phân biệt đối xử bằng các hình thức như kéo dài thời gian làm thủ tục, yêu cầu thêm thủ tục, tỏ thái độ không lịch sự khi làm việc…

Nêu vài con số để thấy dù ở một trong những cơ quan dẫn đầu các bộ, ngành về công tác cải cách hành chính song chưa phải đã hết những nỗi lo. Cùng với việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính còn cần phải thay đổi tư duy và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công việc này, chỉ có vậy chúng ta mới có một nền hành chính chuyên nghiệp trong đó hiệu quả phục vụ là mục tiêu hàng đầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mừng nhưng… vẫn lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.