Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mừng nhưng đã hết lo?

Nhật Minh| 08/05/2011 03:59

(HNM) - Thành phố Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xây dựng nhà ở cho các cán bộ công chức (CBCC) hưởng lương từ ngân sách trên địa bàn TP giai đoạn 2011 đến 2015 và 2020.

Thông tin này khiến những người làm công ăn lương hết sức phấn khởi. Càng phấn khởi hơn khi số này không hề ít. Theo số liệu của Sở Xây dựng HN, trên địa bàn Hà Nội có hơn 355.000 cán bộ, công chức (cả thuộc các cơ quan TƯ và địa phương) hưởng lương từ ngân sách, trong đó phần lớn đang có khó khăn về chỗ ở.

Khác hẳn với chính sách phân phối nhà ở thời bao cấp, đây là một cơ chế mới về giải quyết nhà ở cho CBCC do thành phố chủ động xây dựng. Việc phát triển nhà ở loại này sẽ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, thành phố chỉ đóng vai trò kiểm soát đối tượng được mua, giá bán và quản lý sử dụng nhà. Dự kiến, giai đoạn 2011- 2015 sẽ tập trung giải quyết nhà cho cán bộ hiện có nhà ở bình quân 5-10m2/người. Giai đoạn 2015-2020 tiếp tục giải quyết cho những hộ có diện tích nhà ở bình quân/người cao hơn.

Đương nhiên, khi triển khai thực hiện sẽ có nhiều vấn đề cụ thể được đặt ra như đối tượng, cơ chế thanh toán, có hay không có sự ưu đãi, hỗ trợ đối với người được mua... và tất cả những điều này phải được xem xét, quy định rõ ràng. Cũng phải thấy rằng, do là một loại hình kinh doanh nhà có điều kiện nên giá loại nhà này tuy sẽ thấp hơn giá thị trường nhưng cũng không thể thấp đến mức ưu đãi như đối với nhà cho người có thu nhập thấp mà chúng ta đang thực hiện. Dù sao, đây cũng là điều mừng rồi.

Ở nhiều quốc gia, để người làm công ăn lương mua được nhà ở, người ta xây dựng một quỹ nhà ở từ một khoản tiền lương hằng tháng trích ra của những người đó trong một thời gian nhất định và việc đóng góp này được duy trì để quỹ thực hiện các hoạt động phát triển nhà. Đến khi đủ điều kiện, người đóng góp sẽ được mua nhà và được quỹ đó cho vay ưu đãi. Ở ta thì CBCC có nhu cầu mua nhà, ngoài một phần tự tích lũy, còn thiếu thì chỉ có cách đi vay, trong đó có vay ngân hàng với lãi suất cao, nghĩa là cũng rất khó khăn. Thế nên, để CBCC mua được nhà ở, cũng rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mừng nhưng đã hết lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.