(HNM) - Bộ VH-TT&DL vừa cấp
Sách và nội lực dòng họ Việt
Nguyễn Quang Thạch (giữa) và Ủy viên Hội đồng dòng họ Vũ cùng các nhà văn tham gia tặng sách cho Tủ sách làng Tiến sĩ Mộ Trạch (Hải Dương).
Ra đi từ vùng đất bời bời nắng lửa (Hương Sơn, Hà Tĩnh), hơn 10 năm nay, Nguyễn Quang Thạch đã nghiên cứu về dòng họ, tìm kiếm nội lực cho mô hình tủ sách của mình. Anh đã viết những dòng trăn trở cho rất nhiều người "Hằng năm, có hàng trăm ngàn dòng họ trên cả nước tổ chức giỗ họ/tổ, thu hút hàng triệu người con từ các thành phố, thị xã về quê để tưởng nhớ tiền nhân. Một nét đẹp trong văn hóa Việt. Tuy nhiên, nếu mỗi lần về giỗ họ, những công chức, doanh nhân và trí thức tặng cho con cháu họ hàng khoảng 50-100 đầu sách với giá tương đương 1 chai rượu ngoại (1,5-2 triệu đồng) thì nông thôn sẽ không còn lo thiếu sách, làng quê sẽ tốt đẹp thêm biết bao!".
Lập nghiệp ở Hà Nội, rời bỏ những công việc ổn định, ba lô trên vai, Nguyễn Quang Thạch đi và đi không mỏi để mô hình Tủ sách ra đời (2007) và phát triển không ngừng. Một trong những "bí quyết" thành công là Tủ sách đã gõ đúng nhịp thao thiết nhất "trong mỗi người Việt Nam đều có một ngôi làng", đặc biệt đã gọi dậy nội lực mạnh mẽ của dòng họ Việt đối với vấn đề văn hóa cốt lõi - văn hóa đọc. Từ những đóng góp của những người yêu sách bằng hành động, đến nay đã có gần 50 tủ sách dòng họ do mô hình này hỗ trợ lập nên. Hiệu ứng Tủ sách khiến cho hàng chục dòng họ khác đã tự xây dựng tủ, hoặc đang đề nghị hỗ trợ sách, trao đổi phương thức quản lý hiệu quả. Dòng họ Vũ (Võ) - một dòng họ lớn ở Việt Nam được mô hình Tủ sách dòng họ hỗ trợ 130 cuốn thành lập tủ sách ở làng Tiến sĩ Mộ Trạch, chỉ sau 6 tháng con cháu họ Vũ đã gửi về 2.000 cuốn...
Sự vào cuộc của các nhà văn
Các em nhỏ làng Mao Điền đọc sách trong ngày khai trương
Tủ sách dòng họ Vũ Thế.
Hơn 600 ngày qua, kể từ khi "gõ cửa" quyên góp sách, đến nay mô hình này đã nhận được hơn 5.000 đầu sách và nhiều sự ủng hộ về vật chất khác của rất nhiều tầng lớp, thành phần cho tiến trình “sách hóa nông thôn”, đi tiên phong và tích cực nhất là những nhà văn - người gieo chữ. Nhà văn Phong Lê nói "Tới đây tôi còn ủng hộ thêm 1.200 đầu sách nữa cho mô hình Tủ sách dòng họ" (trước đó ông đã góp 1.200 đầu sách). Các nhà văn Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Xuân Khánh, Giáng Vân… và nhiều người thuộc lớp nhà văn trẻ như Phong Điệp với hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách đã "tiếp sức" cho Tủ sách dòng họ.
Sự vào cuộc lập tức của "tầng lớp yêu chữ và yêu sách" ấy cổ vũ mô hình này, thay nhiều lời kêu gọi khác đối với những cán bộ, công chức, trí thức và bất cứ người Việt Nam nào nghĩ đến gia đình, dòng họ và đất nước. Sự tham gia của các nhà văn còn có một ý nghĩa lớn như một "bộ lọc" cho tiến trình “sách hóa nông thôn”.
Đi xuyên Việt vào mùng một Tết
Bộ VH-TT&DL đã có hai văn bản ủng hộ "Tủ sách dòng họ", gần đây nhất là văn bản đồng ý cho Nguyễn Quang Thạch thực hiện chuyến xuyên Việt vào ngày mùng một Tết với chặng đường hơn 1.700km. Người thanh niên này sẽ khởi hành từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và đi qua, giới thiệu mô hình tại 16 tỉnh, thành như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… và tới TP Hồ Chí Minh vào sáng ngày 12 Tết. Lá cờ cổ vũ cho Tủ sách nông thôn mang những dòng chữ đã trở thành tâm huyết của Thạch: "Sách mang cơ hội cho mọi người. Hãy tặng sách cho các tủ sách dòng họ nông thôn Việt Nam". Đài THVN, Đài PTTH Hà Nội và nhiều cơ quan báo chí khác đã có chương trình đưa tin về ngày khởi hành cũng như chuyến xuyên Việt này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.