Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu và hiện thực

Đức Huy| 13/07/2011 06:44

(HNM) - Mùa hè năm nay thời tiết khắc nghiệt, những ngày này thật oi bức. Cùng với đó, mối lo xin học cho con của các gia đình (bắt đầu từ cấp học mầm non) lại được hâm nóng như chuyện

(HNM) - Mùa hè năm nay thời tiết khắc nghiệt, những ngày này thật oi bức. Cùng với đó, mối lo xin học cho con của các gia đình (bắt đầu từ cấp học mầm non) lại được hâm nóng như chuyện "đến hẹn lại lên" mà năm nào cũng vậy và thường năm sau nhiệt độ tăng hơn năm trước. Mối bức xúc ấy đã tích tụ và vỡ ra tại nhiều buổi họp, đặc biệt là những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố...

Tháng 8-2010, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 được Chính phủ phê duyệt và chính thức triển khai trong toàn quốc. Thực hiện đề án này, nhiều biện pháp được đề ra cùng những gạch đầu dòng cụ thể và mốc thời gian được ấn định như đến năm 2015 có 95% số trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 100% giáo viên dạy mầm non 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2010, phấn đấu đến năm 2015 có 50% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá... Đó là mục tiêu hướng đến.

Thế nhưng trong thực tế, nỗi lo lớn nhất của các địa phương khi thực hiện đề án trên là tình trạng thiếu chỗ học. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong tổng số 135.909 phòng học mầm non có tới non nửa là bán kiên cố và còn tới gần 21% là học nhờ và học tạm (28.315 phòng). Vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn, thiếu trường, thiếu lớp đã đành, ngay cả với các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, đây vẫn là một bài toán không dễ giải quyết. Thế mới có chuyện phụ huynh phải bốc thăm hoặc thức trắng đêm xếp hàng cho con đi học, rồi chạy chọt, cậy nhờ các mối quen biết mà vẫn nơm nớp nỗi lo hết chỗ. Cơn lốc đô thị hóa ào tới nhiều khu vực, song hạ tầng, trong đó có việc đầu tư quỹ đất, xây dựng trường lớp chưa tương xứng do chủ dự án cố tình quên hoặc các cấp chính quyền cơ sở lúng túng chưa có cách giải quyết trong thời buổi đất đắt hơn vàng, chính là nguyên nhân của tình trạng trên. Khi thiếu quỹ đất, chỗ học có hạn thì việc lớp học, trường học quá tải không có gì đáng ngạc nhiên bởi cầu vượt cung. Tiêu cực cũng từ đó mà ra và có khá nhiều người giàu lên trông thấy thông qua chạy chọt, xin học.

Không chỉ có vậy, với Hà Nội, mục tiêu đặt ra vào năm trước (năm 2010) là hệ thống giáo dục ngoài công lập sẽ tiếp nhận từ 70 đến 80% học sinh độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi hơn 80% số trường mầm non của Hà Nội là công lập. Vì vậy, các trường ngoài công lập của cấp học này cũng chỉ có thể tiếp nhận tối đa chưa đầy 20% số học sinh trong độ tuổi. Nguyên nhân của việc này là do các trường ngoài công lập chưa đủ độ tin cậy đối với các bậc phụ huynh về chất lượng học tập. Mặt khác, không phải gia đình nào cũng có điều kiện về kinh tế để cho con theo học trường, lớp tư thục, đặc biệt trong thời buổi bão giá như hiện giờ, lương công nhân ở nhiều nơi còn thấp hơn một suất học tư thục. Do đó, dựa vào hệ thống giáo dục được bao cấp vẫn là mục tiêu hàng đầu, nhưng tiếc rằng, hiện trạng của các trường công lập lại không kham nổi nhu cầu trong xã hội.

Nêu mấy thực trạng như trên để thấy sự vênh nhau giữa mục tiêu đặt ra và hiện thực là quá lớn. Do đó, trước mắt để thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì phải có đủ trường, đủ lớp cho trẻ theo học mà vấn đề đó riêng ngành giáo dục không đủ sức giải quyết. Xây dựng mục tiêu là phải căn cứ vào hiện thực cùng sự tính toán hiệu quả từng giải pháp đưa ra. Khi đưa ra những cái đích phấn đấu cần phải vận động được sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội và tính tới các vấn đề liên quan để có những biện pháp khả thi, phù hợp với thực tế. Nếu không, mục tiêu của Đề án đặt ra, e rằng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu và hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.