(HNM) - Việc Quốc hội dành cả một ngày thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 cho thấy mức độ quan trọng của nội dung này trước tình hình kinh tế - xã hội đang có những diễn biến nhiều chiều.
Năm 2009, kinh tế đất nước đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, chặn được đà suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, bước sang năm 2010, thực tế đã xuất hiện một số thách thức mới cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm. Những cân đối vĩ mô như tỷ lệ bội chi ngân sách, cán cân thương mại, cán cân thanh toán, chỉ số ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng), chưa được cải thiện. Những yếu tố bảo đảm tăng trưởng bền vững vẫn chưa hội đủ, một số khía cạnh có diễn biến không thuận lợi. Trước hết phải kể đến là chỉ số giá tiêu dùng tăng cao có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu giữ mức tăng CPI cả năm không vượt 7%. Kế đến là việc lãi suất ngân hàng tăng cao (tới 17-18%) gây trở ngại đáng kể cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tác động không tốt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, mức thắt chặt chính sách tiền tệ như trong thời gian qua quá mạnh cộng với việc dồn dập tăng giá điện, than, xăng dầu trong khi co tín dụng lại, doanh nghiệp lo lắng bởi vốn không có, sản xuất khó khăn. Ngoài ra, nhập siêu 4 tháng đầu năm còn ở mức cao (4,7 tỷ USD) đang tiếp tục gây sức ép đến thị trường ngoại hối và tỷ giá. Nhiều chuyên gia cho rằng, vòng xoáy nhập siêu - suy giảm giá trị đồng nội tệ - lạm phát - áp lực điều chỉnh tỷ giá chính là thách thức lớn đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì thế, nhiệm vụ hàng đầu trong sáu tháng cuối năm là thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Trước mắt cần tập trung kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt ngân sách. Cần có sự điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng trên nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế để bảo đảm tốc độ tăng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý. Đặc biệt, cần xem xét chính sách và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung thực hiện tốt việc kiểm soát giá các hàng hóa thiết yếu bằng các biện pháp kinh tế; đẩy mạnh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị sớm lựa chọn một mô hình phát triển phù hợp, đưa ra các biện pháp chiến lược mang tính tổng thể cho nền kinh tế, xác định ổn định kinh tế vĩ mô để tạo niềm tin cho các thành phần kinh tế, nhà đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời là tiền đề để tăng trưởng cho những năm sau.
Sự linh hoạt và ưu tiên hàng đầu những biện pháp khả thi sẽ bảo đảm được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là quyết tâm của Chính phủ và sự mong muốn của doanh nghiệp và toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.