(HNM) - Tại hội nghị tổng kết công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) năm 2013 và triển khai kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ năm 2014, do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức sáng 20-1, tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian tới,
Theo đánh giá của Tổng cục DS-KHHGĐ, sự kiện nổi bật và đáng chú ý nhất trong năm 2013 là dân số Việt Nam đạt mức 90 triệu người vào ngày 1-11. Sự kiện này minh chứng cho sự thành công của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua, đồng thời là mốc son trong lịch sử phát triển nhân khẩu học. Với quy mô dân số như hiện nay, nước ta hiện đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 14 trên thế giới.
Nâng cao chất lượng dân số chính là góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Ảnh: Kim Mạnh |
Lý giải về thành công nói trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng cho rằng, năm 1989, sau cuộc tổng điều tra dân số lần 2, các nhà khoa học dự báo dân số nước ta sẽ cán mức 105 triệu người vào năm 2010 và theo cách tính này, mốc dân số 90 triệu đáng nhẽ xuất hiện vào năm 2002. Thế nhưng, đến năm 2013, dân số nước ta mới đạt con số trên, chậm lại 11 năm so với dự báo. "Nếu theo dự báo trước đây, hiện nay Việt Nam có khoảng 111 triệu người. Như vậy, trong hơn 20 năm qua, chúng ta tránh sinh thêm 21 triệu người. Đây thực sự là một thành công lớn, giúp tăng thu nhập bình quân đầu người, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng giáo dục, y tế" - ông Dương Quốc Trọng nói.
Thành công quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ phải kể đến là cuộc "cách mạng" trong sinh đẻ. Sinh đẻ theo bản năng đã chuyển sang sinh có kế hoạch, từ sinh nhiều con sang sinh ít, từ chất lượng thấp lên chất lượng cao hơn. Nếu như vào năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 6,4 con thì đến năm 2009, con số này chỉ còn 2,03; năm 2010 là 2,0 và năm 2011 là 1,99. Tuy vậy, còn có sự khác biệt giữa các vùng miền và giữa các tỉnh. Có 35 tỉnh đạt và thấp hơn mức sinh thay thế. Nhiều tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ dưới mức 1,8 con; song, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tổng tỷ suất sinh (TFR) vẫn còn ở mức trên dưới 3 con.
Trước thực tế trên, theo ông Dương Quốc Trọng cần có những giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp với thực trạng dân số của từng địa phương. Những tỉnh có TFR trên 2,1 con thì nhanh chóng đưa về mức sinh thay thế. Những tỉnh đạt mức sinh thay thế thì cố gắng duy trì. Những tỉnh có chỉ số TFR thấp cần phải nâng mức sinh lên. Chiến lược DS-KHHGĐ chỉ rõ, cần duy trì TFR từ 1,8 đến 2 con trong 10 năm tới. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Việt Nam đã thay đổi thông điệp tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, từ "Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con" sang thông điệp mới là "Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con" nhằm duy trì một mức sinh hợp lý. Ý nghĩa của thông điệp này cực kỳ quan trọng, thể hiện sự chuyển hướng mang tính chiến lược đối với công tác DS-KHHGĐ.
Tập trung nâng cao chất lượng dân số
Không chỉ đối mặt với mức sinh còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền, ngành DS-KHHGĐ còn đang phải ứng phó với tốc độ già hóa đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ năm 2006 đến nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành vấn đề "nóng", ngày càng phức tạp. Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù Pháp lệnh Dân số có nội dung cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi nhưng trong thời gian qua, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tăng cao ở nhiều địa phương. Dự báo, với xu hướng mất cân bằng giới tính như hiện tại, đến năm 2035, Việt Nam có thể sẽ "dư thừa" 10% nam giới trưởng thành so với số lượng nữ giới. Nếu không kiềm chế tình trạng này, tất yếu phải gánh chịu hệ lụy khôn lường, tác động tiêu cực tới cấu trúc dân số trong tương lai. Tình trạng thừa nam, thiếu nữ sẽ làm gia tăng áp lực và buộc phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, nam giới khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời, làm gia tăng mức độ bất bình đẳng giới trong cơ hội tiếp cận việc làm, tệ nạn xã hội trở nên phức tạp, khó kiểm soát.
Bên cạnh tình trạng mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số còn ở mức thấp cũng là vấn đề cần được quan tâm. Mặc dù chỉ số phát triển con người ở nước ta thời gian qua đã từng bước được cải thiện, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với nhiều nước khác trong khu vực và còn kém xa so với các nước phát triển, cản trở sự phát triển của đất nước. Về thể chất, tuổi thọ trung bình của người dân gia tăng đáng kể do đời sống được cải thiện về nhiều mặt, nhưng số người già đau yếu còn chiếm số lượng lớn, tình trạng trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền ngày càng cao. Theo các chuyên gia, tập trung nâng cao chất lượng dân số được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên số một của công tác DS-KHHGĐ trong năm 2014 cũng như nhiều năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.