(HNM) - Hà Nội đang xây dựng đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính các cấp giai đoạn 2012-2016. Tuy nhiên, vấn đề chính quyền đô thị chưa được đặt ra đúng mức trong khi đòi hỏi thực tiễn đang ngày càng cao.
Nhìn chung, bộ máy các cơ quan hành chính TP đã vận hành tốt trong điều kiện thực tế, kết quả hằng năm trên mọi lĩnh vực đều được Trung ương đánh giá cao. Nhưng bên cạnh kết quả đạt được, hàng loạt vấn đề về quản lý đô thị cũng đang đặt ra, đòi hỏi hệ thống thể chế, bộ máy và con người phải không ngừng đổi mới để hoàn thiện. Điều đáng lưu tâm nhất là hiện có độ chênh không nhỏ giữa thực tế đời sống và mô hình tổ chức, trình độ quản lý của các cơ quan hành chính TP.
Trước hết, ở Hà Nội vẫn tồn tại mô hình tổ chức quản lý nông thôn làm công tác quản lý đô thị. Nhiều huyện có tốc độ đô thị hóa rất nhanh như Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì vẫn được quản lý, điều hành bởi cơ quan hành chính là UBND huyện, UBND xã từ nhiều năm nay. Khối lượng công việc đã tăng theo cấp số nhân trong 10 năm qua, nhưng số lượng cán bộ, cơ cấu phòng, ban vẫn bị bó cứng, chậm đổi mới. Hầu hết các địa phương phải xoay xở để tăng cường các lực lượng quản lý đô thị bằng hợp đồng lao động, nhưng cũng không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, các địa phương này lại gần như không thể thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao để quản lý đô thị, vì biên chế không có, chế độ lương hạn chế.
Địa phương thì thế, nhưng ngay cả cấp TP cũng có những băn khoăn chưa được giải tỏa. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết, khi TP chỉ đạo địa phương giải quyết những vấn đề mà các giải pháp đã rất rõ ràng, nhưng một số bí thư, chủ tịch và trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ vẫn còn lúng túng, không nắm đầy đủ, cuối cùng quay lại kiến nghị TP. Đó là vì cán bộ vẫn quen quản lý kiểu nông thôn, trong khi thực tế yêu cầu quản lý đô thị đặt ra ngày càng cao, không thể theo kịp. Chưa kể, việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ không đáp ứng yêu cầu, còn việc bổ sung, thay thế lại chưa thực hiện được.
Khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội cũng có những bất cập không kém gì khu vực đô thị. Thực tiễn đòi hỏi thay đổi, nhưng các cơ quan hành chính lại không kịp thay đổi. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, các huyện ngoại thành đang đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới nên rất cần có thêm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cũng cho rằng, có sự mất cân đối trong tổ chức các cơ quan hành chính dẫn đến hiệu lực quản lý chưa cao. Ví dụ như Phòng Dân tộc ở một huyện có đến 5-6 người, nhiều lúc không biết làm việc gì, trong khi đó Phòng Nông nghiệp thì thiếu người.
Theo các chuyên gia, để có thể giúp TP giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính, đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính các cấp, giai đoạn 2012-2016 do Sở Nội vụ soạn thảo phải hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị với những cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng ở trình độ cao phù hợp với yêu cầu. Các giải pháp không nên quá chung chung, khái quát, càng không nên mơ hồ. Phải tích hợp được kết quả nghiên cứu, học hỏi từ các mô hình tổ chức chính quyền đô thị như của Đà Nẵng và các nước trên thế giới. Trên cơ sở đó, đề án đưa ra lộ trình xây dựng chính quyền đô thị cho Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.