(HNM) - Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trải qua chặng đường hơn hai năm. Tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân, được TP Hà Nội chọn làm trọng tâm trong các chương trình hành động nhằm thúc đẩy sản xuất.
Gieo trồng đậu tương, cây vụ đông cho năng suất cao. Ảnh: Bảo Lâm
Vụ đông đầy thách thức
Vụ đông năm nay được dự báo là hết sức khó khăn khi ngay từ cuối vụ mùa, đã xuất hiện nhiều diễn biến thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến thời vụ. Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Hà Nội, các địa phương sản xuất vụ đông phải chủ động ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết, kể cả khả năng mưa lớn nhiều ngày vào cuối vụ mùa làm chậm tiến độ sản xuất vụ đông. Tuy nhiều khó khăn, song Hà Nội đề ra mục tiêu giá trị thu được từ vụ đông năm nay sẽ đạt 2.000 tỷ đồng (năm 2010 đạt 1.600 tỷ đồng). Để đạt được mục tiêu đó, TP yêu cầu bảo đảm diện tích gieo trồng vụ đông, chủ lực là cây đỗ tương, ngô ngắn ngày, đặc biệt là phải tăng diện tích trồng khoai tây thương phẩm chất lượng cao và khoai lang trên đất 2 lúa. Đối với các cây rau màu cũng phải chuyển sang các loại cây có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để tăng nguồn thu cho nông dân. Vụ đông năm nay toàn TP sẽ gieo trồng 61.000ha, gồm đậu tương 25.000ha, năng suất 16 tạ/ha; ngô 13.000ha, năng suất 43 tạ/ha; lạc 1.300ha, năng suất 19 tạ/ha; khoai lang 4.500ha, năng suất 90 tạ/ha; khoai tây 1.200ha, năng suất 110 tạ/ha; rau đậu các loại 13.500ha, năng suất 180 tạ/ha…
Tiền đề để chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Phát huy kinh nghiệm canh tác cùng với khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, TP đang xây dựng đề án sản xuất cây vụ đông hàng hóa, tập trung hỗ trợ giống, vật tư, cải thiện hạ tầng, chú trọng tập huấn cho nông dân để hình thành những vùng cây trồng lớn, chuyên biệt theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Nguyễn Duy Hồng cho biết, đầu tháng 10 nông dân toàn TP mới gặt rộ, tuy nhiên các huyện trọng điểm về vụ đông như Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa do có lợi thế gặt sớm, dễ canh tác vụ đông hơn. Các huyện trồng vụ đông phải phấn đấu đến ngày 5-10 kết thúc trồng ngô, ngày 10-10 kết thúc gieo đậu tương, khoai tây trồng từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11. Để kịp thời vụ theo kế hoạch, phương châm thực hiện vụ đông năm nay của Hà Nội là "sáng lúa, chiều cây vụ đông".
Về huyện Phú Xuyên, nơi được coi là có thế mạnh và truyền thống cây trồng vụ đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Chiêu cho biết, năm nay huyện quyết tâm trong 10 ngày vừa gặt vừa làm vụ đông. Tổng diện tích cấy vụ đông của huyện dự kiến 8.000ha đến 9.000ha đất 2 lúa, trong đó chủ lực là cây đậu tương với 6.500ha, giá trị phấn đấu đạt 160 tỷ đồng. Giải pháp của Phú Xuyên là gieo vãi đậu tương dưới gốc rạ. Quyết liệt nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Mỹ Đức cũng phấn đấu gieo trồng vụ đông đạt trên 5.700ha, với trên 70% diện tích 2 lúa. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Cành, năng suất vụ mùa năm nay của huyện đạt cao nhất từ trước tới nay (63,28 tạ/ha) là thắng lợi để Mỹ Đức ra quân triển khai vụ đông. Huyện sẽ hỗ trợ 50% giá giống khoai tây, 100% chi phí thuốc để phòng trừ sâu cuốn lá và thuốc diệt chuột cho nông dân. Hiện tại huyện đã chuẩn bị đủ 300 tấn đậu tương giống và giống dự trữ của dân để trồng khoảng 4.000ha đậu tương. Đối với các huyện như Thanh Trì, Từ Liêm, Chi cục BVTV Hà Nội cần hướng dẫn nông dân trồng hoa, rau màu theo tiêu chuẩn RAT, chất lượng, có giá trị cao.
Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, các huyện có thế mạnh làm vụ đông cần có kế hoạch sản xuất phù hợp và linh hoạt. Vụ đông năm 2011-2012 phải là vụ chất lượng, phương thức canh tác tiên tiến với các giống cây trồng chất lượng cao, nông dân tiếp cận với các phương thức canh tác hiện đại, sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị cao để tăng nguồn thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.