Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu hoàn thành 5.000km cao tốc: Giải bài toán nguồn lực đầu tư

Tuấn Lương| 17/12/2020 06:18

(HNM) - Các tuyến cao tốc được xây dựng sẽ là trục động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, mục tiêu cả nước có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Song, vấn đề đặt ra là cần xác định chính xác các khu vực có nhu cầu lớn, đặc biệt là giải được "bài toán" nguồn lực đầu tư.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã phát huy hiệu quả sau khi được đưa vào khai thác. Ảnh: Chí Chung

Những điểm nhấn trên “bản đồ” cao tốc

Hơn 5 năm trước, giao thông đường bộ kết nối giữa Hà Nội và Hải Phòng chỉ bằng duy nhất tuyến quốc lộ 5, nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc. Để từ Hà Nội đi Hải Phòng (và ngược lại) cần khoảng 2,5-3 giờ đồng hồ. Còn hành trình từ Hà Nội đi Quảng Ninh phần lớn dựa vào quốc lộ 18 với thời gian di chuyển trung bình gần 5 giờ. Không chỉ thời gian di chuyển kéo dài, những cung đường nói trên còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...

Thế nhưng, những bất cập này đã cơ bản được giải quyết khi dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km được thông xe vào cuối năm 2015 và cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2018. Hai tuyến cao tốc này khớp nối với nhau, tạo thành trục giao thông hiện đại, kết nối tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần hoàn thiện tuyến đường cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng… Hiện, hành trình từ Hà Nội đến Hải Phòng chỉ còn hơn 1 giờ và mất thêm khoảng 30 phút để di chuyển tới thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Ngoài ra, còn một số điểm nhấn trên “bản đồ” cao tốc Việt Nam đang được hoàn thiện. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 1.100km đường cao tốc. Ở phía Bắc có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hòa Lạc - Hòa Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ở phía Nam có thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…

Các dự án ngay khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) Trần Bảo Ngọc, qua khảo sát các tuyến cao tốc cho thấy, sản lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa đều tăng, thời gian di chuyển rút ngắn đáng kể. Cước vận tải giảm góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia...

Nguồn vốn đầu tư là yếu tố quyết định

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng mạng lưới đường cao tốc là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 5 năm tới, Bộ sẽ tập trung vào dự án trọng điểm như hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam (từ Lạng Sơn đến Cà Mau). Đây là tuyến cao tốc song song với quốc lộ 1A, khi hoàn thành sẽ liên kết được với nhiều cảng biển…

Theo kế hoạch, trong năm 2023, Việt Nam sẽ có thêm 654,3km đường cao tốc của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh và từ Nha Trang đến thành phố Hồ Chí Minh. Riêng chiều từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, ngoài cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đã hoàn thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 đang được khẩn trương thi công. Dự kiến cuối năm 2020, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Các đoạn cao tốc trên và cầu Mỹ Thuận 2 cùng đưa vào khai thác sẽ nối thông toàn bộ đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ.

Nhiều chuyên gia nhận định, mục tiêu hoàn thành 5.000km vào năm 2030 của Chính phủ là khả thi và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Vấn đề là phải lựa chọn được đúng các khu vực có nhu cầu lớn, quá trình triển khai xây dựng cần được thực hiện nhanh, đúng tiến độ để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư khó khăn, rất cần sự ủng hộ từ Trung ương đến các địa phương. “Nguồn vốn đầu tư sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành bại của mục tiêu này. Ngoài nguồn vốn ngân sách, chúng ta phải tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh thu hút vốn xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng”, ông Phạm Hữu Sơn nói.

Đề cập tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang tham mưu với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho tăng trần nợ công, nhưng chỉ tập trung cho vay đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu công trình đối với các dự án giao thông quan trọng. Đồng thời, sớm rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, để khi có nguồn vốn sẽ triển khai thi công một cách nhanh nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu hoàn thành 5.000km cao tốc: Giải bài toán nguồn lực đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.