Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mực nước báo động lũ trên các sông

Theo VGPNEWS| 12/05/2010 13:58

9 Đài khí tượng thủy văn khu vực trên cả nước đã được quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc khu vực mình đảm trách. Các thông số này được nêu rõ trong Quyết định số 632/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5/2010.

Dự báo chuẩn báo động lũ trên sông để có biện pháp ứng phó kịp thời.


Theo đó, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc sẽ báo động cấp I khi mực nước sông Đà tại Mường Tè đạt 285m, báo động cấp II khi mực nước đạt 287,5m và báo động cấp III khi mực nước sông này là 290m. Cũng là sông Đà, nhưng khi chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình, báo động cấp I là 21m, cấp II là 22m và cấp III là 23m.

Đài Khí tượng thủy văn Việt Bắc là trạm khí tượng theo dõi mực nước lũ của 4 con sông: sông Thao, sông Lô, sông Cầu và sông Chảy. Sông Thao sẽ có báo động lũ cấp III khi: chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai đạt mức 83,5m; chảy qua địa phận Yên Bái đạt mực nước 32m; chảy qua địa phận Phú Thọ đạt mực nước 19m.

Đối với sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội (thuộc dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ) sẽ có báo động cấp I khi đạt mực nước 9,5m, báo động II khi đạt mực nước 10,5 m và báo động III khi đạt mực nước 11,5m.

Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, cùng là báo động lũ cấp III, nhưng sông Đa Nhim chảy qua Đại Ninh phải đạt mực nước 831,5m, trong khi đó sông Gành Hào chảy qua Cà Mau chỉ cần đạt mức 1,2m.

Nước ta có hệ thống sông kênh rất lớn bao gồm 2.300 con sông, kênh lớn nhỏ, với chiều dài tổng số khoảng 198.000km.

Mạng lưới sông và kênh đào chạy qua hầu hết các thành phố, thị xã, các trung tâm kinh tế lớn... tạo thành các trục giao thông hết sức thuận tiện với tiềm năng vận tải thuỷ rất phong phú.

Cục Đường thủy nội địa

Tuân thủ nghiêm các quy định về báo lũ và phòng, tránh lũ

Do nước ta nằm trải dài trên nhiều vĩ độ, tương đối hẹp ngang ở miền Trung, nhiều sông có độ dốc khá lớn, cường xuất lũ lại lên nhanh. Vào mùa lũ, nhiều con sông còn vượt qua mức báo động III gây ngập lụt trên diện rộng và mang lại nhiều hậu quả nặng nề nếu như không có biện pháp phòng, tránh tốt.


Vì thế, việc quy định 3 cấp báo động lũ (báo động I, báo động II và báo động III) như hiện nay là rất cần thiết, giúp công tác ứng phó với lũ lụt được chủ động và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Các biện pháp phòng ngừa và ứng phó đối với khu vực không có đê bảo vệ ở mức báo động I là cần triển khai việc tuần tra, canh gác đê, kiểm tra các công trình thủy lợi trên đê, vận hành, đóng cửa cống tiêu nước trong đồng ra sông, trù bị lực lượng, vật tư cho việc hộ đê khi mực nước bắt đầu ảnh hưởng đến chân đê, gây ẩm ướt chân đê.

Đối với báo động II, khi mực nước bắt đầu gây áp lực đến thân đê, cần tăng cường tuần tra canh gác, phát hiện kịp thời các sự cố về đê như đùn sủi nước trong, nước đục, báo cáo và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều.

Báo động III khi mực nước đã gây áp lực nước đến đê, khả năng bảo vệ của đê suy giảm dần theo thời gian ngâm nước, do đó, việc tuần tra, canh gác đê cần được tiến hành một cách nghiêm ngặt ngay cả khi lũ đã rút, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê liên quan đến thấm, thẩm lậu và sạt trượt thân đê, gây nguy cơ vỡ đê và trù bị các điều kiện sơ tán khi cần thiết đối với các khu vực phân lũ, chậm lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mực nước báo động lũ trên các sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.