(HNM) - Hôm qua, ngày 16-11-2015, ngày đầu tiên của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước.
Phiên chất vấn được thực hiện với cách thức mới như báo chí nêu "chưa từng có trong lịch sử", đó là không chốt danh sách bộ trưởng, trưởng ngành trả lời và cũng không theo nhóm vấn đề; nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nào, người đó trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa. Nhưng trên thực tế, sự quan tâm của cử tri không chỉ là… tò mò về cách thức mới, mà quan trọng hơn - như phát biểu khai mạc phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - đây là phiên chất vấn cuối cùng trong khóa XIII, do đó mục đích là đánh giá lại toàn diện các kết quả đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ để thẳng thắn nhìn nhận hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, làm rõ tồn tại, những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới. Nói cách khác là chất vấn những vấn đề các đại biểu Quốc hội đã chất vấn người có trách nhiệm từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Kết thúc ngày đầu tiên của phiên chất vấn, việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng cũng còn có những ý kiến đánh giá khác nhau của đại biểu Quốc hội và cử tri, trong đó có cả sự hài lòng về những vấn đề cả xã hội quan tâm được trả lời thỏa đáng cũng như một số khúc mắc, tồn tại chưa được người trả lời đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể, cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày tại nghị trường.
Lý do là, báo cáo khẳng định, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Bên cạnh việc nêu những việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực… báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại trong 17 lĩnh vực, những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra và nguyên nhân cụ thể của từng nội dung, vấn đề.
Chỉ có như vậy chúng ta mới biết rõ mình đã làm được điều gì và vấn đề gì cần khắc phục để làm tốt hơn trong thời gian tới. Đó là sự thẳng thắn cần thiết, là nguyện vọng, mong muốn của cử tri cả nước mà đại diện là các đại biểu Quốc hội.
Còn nhớ, đã có lúc tại diễn đàn Quốc hội, nhiều thành viên của Chính phủ rất… ngại nhận trách nhiệm về mình trước những chất vấn của các đại biểu. Một thời gian sau, với những vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội chất vấn, nhiều bộ trưởng đã công khai xin lỗi và hứa hẹn. Và nhiều bộ trưởng đã hiện thực lời hứa của mình tại nghị trường bằng kết quả cụ thể trong công việc được giao. Tuy nhiên, cũng có những lời hứa sau nhiều năm vẫn là… lời hứa khi nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, triệt để. Vẫn biết, đó đều là những vấn đề phức tạp và có những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Song điều cần là, người có trách nhiệm phải báo cáo, giải trình trước Quốc hội và cử tri cả nước những việc đã thực hiện và nguyên nhân tại sao hiệu quả thu được chưa đạt yêu cầu. Đây cũng chính là thước đo nhằm đánh giá năng lực, trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ.
Như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, mục đích chất vấn không phải làm căng thẳng vấn đề mà là tìm giải pháp để thực hiện cho tốt, giải quyết cho tốt những vấn đề đặt ra. Vậy nên, cả người hỏi và người trả lời đều cần có thái độ thẳng thắn, không né tránh. Khi đó, cử tri cả nước có thể nhận rõ năng lực, trách nhiệm của những người đại diện cho quyền lợi của nhân dân cũng như những thành viên của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.