(HNM) - Mua sắm online (mua sắm trực tuyến) đã rất phổ biến bởi tính tiện ích. Tuy nhiên, không ít đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, nếu không cảnh giác, người tiêu dùng rất dễ bị lừa.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội đã bắt hai đối tượng về hành vi sử dụng mạng viễn thông, internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua việc lập Facebook mạo danh người kinh doanh túi xách có tiếng trên mạng. Thông qua Facebook, hai đối tượng này mời chào mua hàng theo chương trình giảm giá, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền đặt cọc trước rồi chiếm đoạt gần 100 triệu đồng của nhiều người.
Trước đó, ngày 18-4, các lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh của menshop79.com và menshopfashion.com; Ladystore. Tại các cơ sở này, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ gần 1.300 sản phẩm kém chất lượng được rao bán hàng qua hình thức online gồm: Quần áo, giày dép, túi xách, kính mắt… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermers, Versace… không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ, chắc chắn nhiều người tiêu dùng sẽ mua phải số hàng "rởm" này...
Thực tế cho thấy, mua hàng online tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Thời gian qua, những vụ lừa đảo vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng thông qua bán hàng trực tuyến không ít. Đặc biệt, những vụ lừa đảo có giá trị kinh tế nhỏ hơn diễn ra khá nhiều. Đơn cử, chị Nguyễn Thu Lan, ở phường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), chia sẻ: "Ngày nào mở Facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Tôi đã thử mở một số trang để xem sản phẩm, thấy có số điện thoại, gọi thì người bán cho biết có thể đổi trả nếu mua sản phẩm nhưng không ưng. Vì thế nên tôi đặt mua quần áo và giày, nhưng về mở gói hàng ra thì hoàn toàn không đúng màu sắc và chất lượng như hình ảnh và lời giới thiệu trên Facebook...".
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết, những tháng đầu năm 2019, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử cả nước rà soát, gỡ bỏ hơn 3.750 sản phẩm vi phạm xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái của gần 600 gian hàng và website.
Các phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi, người mua khó phân định thật giả như: Không có kho hàng hay cửa hàng mà chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và yêu cầu khách đặt cọc, thanh toán qua trung gian, thậm chí khéo léo dụ dỗ khách thanh toán hết mới chuyển hàng... Các thủ đoạn này không mới nhưng vẫn dễ khiến khách hàng “sập bẫy” do mất cảnh giác.
"Cẩm nang" mua sắm online
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng của chuyển phát cho thương mại điện tử là 60%. Tuy phát triển nhanh và bùng nổ, nhưng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến. Đáng lưu ý, các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh, khó kiểm soát, do vậy hành vi lừa đảo bán hàng qua online khó ngăn chặn, kiểm soát triệt để.
Ông Nguyễn Trọng Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết: Để bảo vệ người tiêu dùng, Cục đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên internet. Bên cạnh đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu website thương mại điện tử, cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và không tiếp tay cho đối tượng lợi dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Nguyễn Trọng Bình, để không bị mắc lừa khi mua hàng online, khách hàng phải nâng cao cảnh giác, trong đó lưu ý các vấn đề sau: Hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, cần hạn chế việc nhận và chuyển hàng qua các dịch vụ vận chuyển. Cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Kiểm tra kỹ các thông tin như website bán hàng, tài khoản rao vặt, nguồn gốc hàng hóa xem có nhiều khiếu nại về các thông tin này hay không? Bên cạnh đó, nếu chẳng may là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên, cần thông tin cho các cơ quan chức năng và các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho mọi người.
Có thể nói, hoạt động lừa đảo qua mạng bằng nhiều hình thức, trong đó có bán hàng online ngày càng phức tạp. Do vậy, mỗi người trước khi quyết định mua sắm online, cần lựa chọn địa chỉ uy tín, danh tính người bán rõ ràng, hình thức thanh toán minh bạch. Đặc biệt thận trọng, cảnh giác trước các trang web ảo, không được cấp phép nhưng yêu cầu quá cụ thể, chi tiết các thông tin cá nhân của khách hàng. Đây chính là "cẩm nang" cho người mua sắm online.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.