Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua nhà chung cư, may ít, rủi nhiều

Bài và ảnh: Duy Biên| 05/08/2011 06:56

(HNM) - Để có được một căn hộ chung cư đang trong quá trình triển khai dự án, sau khi ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, khách hàng phải đặt cọc vài trăm triệu đồng...

Tòa nhà 18 tầng của Công ty Cienco1.


Mua nhà trên giấy, "rước họa" vào thân

Chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà chung cư chủ yếu huy động vốn của nhà đầu tư bằng các hợp đồng góp vốn. Với những dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án khi chưa hoàn thiện thủ tục đã được chủ đầu tư rao bán, thậm chí có những dự án không thể tồn tại cũng được bán. Thời gian gần đây, có khá nhiều vụ việc, các đối tượng tự "vẽ" ra các dự án xây dựng chung cư để bán cho khách hàng. Các đối tượng lừa đảo chủ yếu thông qua đội ngũ "cò đất", tìm những người có nhu cầu mua căn hộ để chiếm đoạt tài sản. Cũng có dự án, đối tượng lừa đảo còn ngang nhiên chào mời công khai với giá thấp hơn rất nhiều so với các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Chính vì vậy, không ít người không tìm hiểu kỹ dự án đã tin tưởng, đặt cọc hàng tỷ đồng vào dự án. Đầu tháng 7-2011, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam, người đã tự "vẽ" ra nhiều dự án về nhà ở tại Khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy). Đối tượng này đã làm giả hàng loạt văn bản và quyết định của UBND TP Hà Nội, rồi trưng ra khi khách hàng có nhu cầu đến mua. Với những vụ việc như thế này, khách hàng có thể mất trắng hoặc chịu cảnh "được vạ thì má đã sưng".

Cũng với hợp đồng góp vốn mua căn hộ chung cư, hàng chục khách hàng đang đầu tư vào dự án AZ Vân Canh Tower CT (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) do Công ty cổ phần Bất động sản AZ (58 Trần Thái Tôn, Cầu Giấy) làm chủ đầu tư như "ngồi trên đống lửa". Cuối năm 2010, hơn 100 người bỏ hàng trăm triệu đồng để ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư. Nội dung bản hợp đồng ghi rõ, đến tháng 4-2011 dự án sẽ bắt đầu thực hiện. Chờ mãi không thấy dự án rục rịch gì, một số khách hàng đến công ty hỏi thì được biết, tòa nhà đó vướng vào quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì, nên chưa triển khai được. Nhiều khách hàng đã yêu cầu thanh lý hợp đồng, thì chủ đầu tư trả lời ráo hoảnh: "Chưa thể thực hiện được ngay, chúng tôi cần có thời gian" và không đưa ra thời gian cụ thể hoàn trả tiền cho khách hàng...

Đặt đâu, ngồi đó?

Cuối tháng 5-2007, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua căn hộ với Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Công ty Cienco1) tại tòa nhà chung cư 18 tầng, ở phố Hoàng Đạo Thúy, với giá 9,5 triệu đồng/m2. Theo hợp đồng, khách hàng phải thanh toán tiền làm 6 đợt, đến tháng 12-2008 chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ. Ngày 29-5-2009, Công ty Cienco1 có thông báo yêu cầu trong vòng 30 ngày khách hàng phải nộp bổ sung thêm 2 triệu đồng/m2 với lý do trượt giá nguyên vật liệu, thay đổi định mức, thay đổi quy định. Trong thông báo cũng ghi rõ, nếu quá thời hạn, ai không nộp tiền, công ty sẽ không chịu trách nhiệm về việc bàn giao nhà theo tiến độ. Không những thế, ngày 6-11-2009, công ty lại tiếp tục thông báo lùi thời hạn bàn giao căn hộ cho khách hàng đến ngày 31-3-2010 và giá bán được nâng lên đến 12,951 triệu đồng/m2. Trước tình trạng vi phạm hợp đồng nêu trên, nhiều khách hàng đã phản đối, thì lãnh đạo Công ty Cienco1 cho biết: "Những trường hợp không tuân thủ yêu cầu, chủ đầu tư sẽ thanh lý hợp đồng...". Nhiều khách hàng đã phải ngậm ngùi, nhận bàn giao căn hộ theo giá của công ty đưa ra, bởi đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra và cuối cùng là khách hàng chịu thiệt. Cũng có khách hàng như bà Phạm Thị Chinh, ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy) không chấp nhận, đã khởi kiện Công ty Cienco1 ra Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân và vụ việc đang được thụ lý, giải quyết.

Kinh doanh bất động sản thì lời - lỗ là chuyện thường tình và nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận thua lỗ để giữ chữ tín với khách hàng. Song, cũng có doanh nghiệp chỉ biết giành phần lợi cho mình, khi gặp khó khăn, khách hàng phải gánh chịu. Với những trường hợp như vậy, hơn ai hết, khách hàng có quyền đưa ra những điều kiện của mình, tránh tình trạng bị chủ đầu tư "đặt đâu, ngồi đó".

Có thể thấy, thị trường căn hộ chung cư hiện nay không khác gì "ma trận". Vào mạng, gõ từ khóa "mua bán bất động sản", người đọc sẽ bội thực về thông tin và một điều chắc chắn, không ít thông tin trong đó là không thật công khai, minh bạch các dự án từ phía chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn sẽ tránh được rủi ro cho người dân, đồng thời giúp ngăn ngừa, giảm tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua nhà chung cư, may ít, rủi nhiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.