Nhiều nơi bị chia cắt
* Chủ động sơ tán dân, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống
(HNM) - Mưa lũ đang hoành hành dữ dội tại khu vực Nam Trung bộ, từ ngày 30-10 đến hôm qua (31-10) các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 100 đến 250mm. Trên các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận đã xuất hiện một đợt lũ lớn.
Nhiều nhà cửa, hoa màu tại tỉnh Ninh Thuận ngập chìm trong nước Ảnh: TTXVN
Tại Khánh Hòa, mưa lớn gây ách tắc giao thông và phải hủy nhiều chuyến bay đi, đến sân bay Cam Ranh. TP Nha Trang nhiều tuyến đường bị ngập sâu gần 1m. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang có 32 căn nhà bị sập; toàn tỉnh di dời gần 100 hộ dân với hơn 300 người đến nơi an toàn. Tại tỉnh Ninh Thuận có 18 xã của 4 huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP Phan Rang bị ngập sâu từ 0,4 đến 0,6m. Lực lượng cứu hộ đã tổ chức di dời được 958 hộ với 3.832 người đến nơi an toàn. Trên quốc lộ 1A và quốc lộ 27 qua huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Sơn có 5 vị trí bị nước lũ tràn qua đường gây ngập sâu từ 0,1 đến 0,5m. Lực lượng công an đã tổ chức ứng trực hướng dẫn giao thông an toàn.
Dân quân cứu hộ, di dời dân bị ngập lụt ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Tại Phú Yên, mưa to liên tục khiến nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã bị chia cắt. Tuyến đường 644 từ thị xã Sông Cầu lên xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), nhiều điểm nước ngập sâu từ 0,6 đến 0,7m; đường 642 qua xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) bị ách tắc giao thông từ ngày 29-10 và vẫn tiếp tục bị ngập sâu. Nước lũ cũng cô lập và gây ngập nhiều khu dân cư ở các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Đồng... (huyện Tây Hòa). Sáng 31-10, lực lượng cứu hộ đã sơ tán hơn 500 hộ dân tại các địa phương này lên vùng cao tránh lũ. Trong khi đó, trên quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã bị ùn tắc giao thông cục bộ vì mái taluy dương sạt lở khoảng 1.500m3 đất đá, lấp 2/3 mặt đường. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã điều phương tiện và lực lượng vào điểm sạt lở để giải phóng vật cản. Hiện việc lưu thông qua đèo hết sức khó khăn do công tác giải tỏa vẫn chưa hoàn tất. Hàng dãy dài ô tô hai đầu đường phải dừng lại chờ sự điều tiết của cảnh sát giao thông. Ngoài ra, chiều 30-10, tuyến đường sắt qua khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã bị một lượng đất đá lớn đổ xuống khiến ách tắc giao thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Sau nhiều giờ khắc phục, chiều qua 31-10, đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến. Trước đó, để bảo đảm hành trình cho hành khách, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Phú Yên đã điều 12 xe vận tải đưa khách ở các ga đường sắt thuộc địa phận tỉnh Phú Yên qua đèo Cả vào ga Đại Lãnh (tỉnh Khánh Hòa) đi tiếp vào các ga phía Nam. Đồng thời, 350 hành khách thuộc các đoàn tàu SE8 và TN2 lần lượt ở các ga Giã và Ninh Hòa Khánh Hòa) cũng được vận chuyển ra ga Đại Lãnh để qua đèo Cả ra ga Tuy Hòa, tiếp tục ra các ga phía Bắc.
Tại tỉnh Bình Định, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, ngày 30-10, tàu cá số hiệu BĐ 96247-TS của thuyền trưởng Văn Công Trãi, xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn) đi câu mực đã bị sóng đánh gãy bánh lái trôi dạt vào vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Ông Trãi và 7 lao động trên tàu quyết định bơi vào bờ nhưng 7 lao động vào bờ an toàn, còn ông Trãi bị sóng cuốn trôi mất tích. Cùng ngày, trên vùng biển Trường Sa, tàu cá số hiệu BĐ 50377-TS do ông Nguyễn Hữu Quang là thuyền trưởng, trên tàu có 10 ngư dân ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) hành nghề lưới rút bị sóng đánh hỏng máy, tàu trôi tự do. Hiện BĐBP tỉnh đã báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP và thông báo cho BĐBP các tỉnh phía Nam, các phương tiện đánh bắt gần khu vực tàu bị nạn tìm kiếm cứu hộ tàu cá gặp nạn và người mất tích.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, hôm nay (1-11), các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng lũ chia cắt (HNM) - Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia TKCN đã có công điện khẩn gửi các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động sơ tán dân; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn xảy ra. Kiểm tra hồ chứa nước, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố để bảo đảm an toàn công trình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra; nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ... Đỗ Chí |