(HNM) - Theo dự báo, mưa lớn còn kéo dài hết hôm nay tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc.
Thống kê sơ bộ, mưa bão đã làm 2 người chết tại Hải Phòng, Hà Nội và một người mất tích tại Lào Cai; thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Theo dự báo, mưa lớn còn kéo dài hết hôm nay tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội giúp người dân qua đoạn đường bị ngập tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Ảnh: Minh Toàn |
Tại Hà Nội, mưa kéo dài suốt ngày và đêm qua đã gây ngập úng nhiều tuyến phố khu vực nội thành và hàng trăm hécta lúa khu vực ngoại thành. Theo báo cáo nhanh của các đơn vị thủy lợi, khu vực ngoại thành đã bị ngập úng gần 5.700ha, trong đó Thanh Oai bị nặng nhất (1.622ha), tiếp đến là Chương Mỹ 1.029ha, Hoài Đức 647ha, Thường Tín 470ha, Sóc Sơn 255ha, Đan Phượng 293ha, Hà Đông 199ha, Gia Lâm 165ha, Thạch Thất 150ha, Quốc Oai 122ha, Đông Anh 110ha, Sơn Tây 85ha, Phúc Thọ 80ha, Ba Vì 52ha, Thanh Trì 40ha... Trong ngày 8-8, các đơn vị thủy lợi đã vận hành 201 trạm bơm với 909 máy bơm, tổng lưu lượng 2,4 triệu mét khối/giờ để khẩn trương cứu lúa và hoa màu, trong đó hệ thống thủy lợi sông Nhuệ có số máy vận hành cao nhất với 322 máy bơm các loại.
Đến tối qua 8-8, mực nước sông Nhuệ tại Hà Đông ở mức cao, vượt mức +5m (5,63m). Chi cục Thủy lợi đề nghị Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ và Công ty Thủy lợi Sông Đáy khẩn trương thực hiện theo phương án đã lập, bảo đảm an toàn cho tuyến đê sông Nhuệ. Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ phối hợp chặt chẽ với các huyện dọc theo tuyến sông Nhuệ tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện kịp thời, xử lý ngay các sự cố xảy ra. Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo KTTV trung ương, trên địa bàn Hà Nội, mưa lớn còn diễn ra đến hết sáng 9-8. Từ chiều và tối cùng ngày chuyển sang mưa rào. Vì vậy, sẽ không có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn kéo dài, gây lũ ngập như năm 2008.
Theo báo cáo nhanh ngày 8-8, hầu hết các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi, ven biển đã chịu thiệt hại nặng nề do bão, mưa lũ gây ra. Theo cảnh báo từ Trung tâm Dự báo KTTV trung ương, các tỉnh Bắc bộ vẫn mưa vừa, mưa to hết ngày 9-8. Mưa lớn gây lũ trên lưu vực sông Hoàng Long và hệ thống sông Thái Bình. Hôm nay 9-8, lũ trên các sông này sẽ lên nhanh.
* Trận mưa xối xả từ trưa ngày 8-8, do ảnh hưởng của bão số 6, đã biến nhiều tuyến đường, phố Hà Nội thành "sông". Giao thông đảo lộn, phương tiện hoặc quay đầu hoặc chịu cảnh chết máy. Nhiều khu phố, nước mưa tràn vào nhà dân... Cụ thể, theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, tổng lượng mưa tính đến thời điểm 16h ngày 8-8 là 208mm, riêng tại Long Biên là 220,6mm gồm 3 đợt. Cụ thể, lượng mưa đợt 3 đo được tại Vân Hồ tính đến 16h là 106mm; Trúc Bạch 122mm; Hồ Tây 132mm; Thanh Liệt 106mm; Yên Sở 75mm; Xuân Đỉnh 124mm; Long Biên 156,6mm, Hầm chui Trung tâm Hội nghị quốc gia 130mm, Đông Anh 115mm... Khu vực Hồ Gươm và phụ cận vốn ít khi bị ngập cũng ảnh hưởng nặng. Đến 17h, tại ngã ba Đào Tấn - Nguyễn Chí Thanh, vẫn còn nước đọng trên mặt đường, gây ùn tắc giao thông trên suốt tuyến Nguyễn Chí Thanh và các phố lân cận. Lực lượng CSGT, Thanh tra GT phải bố trí lực lượng phân luồng phương tiện từ xa... Để đối phó với mưa bão, toàn bộ hệ thống mương sông, hồ điều hòa đều được hạ mực nước. Dàn phương tiện cơ giới, cùng 100% lực lượng ứng trực đều có mặt tại các trọng điểm từ sáng sớm để xử lý úng ngập. Tuy nhiên, đường phố Hà Nội ngập mỗi khi xảy ra mưa lớn là chuyện khó tránh khỏi. Vì trong khi hệ thống thoát nước cũ không theo kịp tốc độ đô thị hóa, lại xuống cấp; nhiều hồ, ao tiêu thoát nước trước đây đã bị lấp đi để làm nhà… thì hệ thống thoát nước mới vẫn đang trong giai đoạn đầu tư.
* Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn thành phố có 7 trường hợp cây đổ, 5 trường hợp cây gãy. Hầu hết đều là cây có đường kính nhỏ. Công nhân công ty đã xử lý ngay trong sáng 8-8, bảo đảm hoạt động giao thông bình thường. Riêng trường hợp thông tin một cây đổ trên phố Bà Triệu làm một người tử vong, ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết, công ty cũng chỉ tiếp nhận thông tin này qua báo chí. "Hiện nay chưa có đủ cơ sở để khẳng định có phải cây đổ đè chết người hay không. Anh em công nhân đến thu dọn cây đổ cũng không có báo cáo với lãnh đạo công ty" - ông Nguyễn Xuân Hưng nói.
* Trong khi đó, bão số 6 đã làm 83 lộ đường dây trung thế tại các địa phương bị sự cố dẫn tới mất điện trên diện rộng. Ảnh hưởng nặng nhất là các huyện Quế Phong, Quỳnh Lưu (Nghệ An); huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bình Nguyên, Kiến Xương, Vũ Thư (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình)... bị mất điện đến 80% các phụ tải. Đến 7h ngày 8-8, các sự cố lưới điện 110kV cơ bản đã được khắc phục.
* Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, bão số 6 đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa khiến 23 tuyến cáp quang bị đứt (chủ yếu là các tuyến cáp quang nhánh dung lượng nhỏ), đã khôi phục được 6 tuyến, 7 máy phát điện bị sự cố, 122 trạm BTS 2G và 3G của Vinaphone, MobiFone bị mất điện. Tại Nam Định, 38 trạm BTS bị mất điện. Tại Ninh Bình có 29 BTS mất điện. Thái Bình có 28 trạm mất điện. Các đơn vị đã tích cực sử dụng máy phát để cấp điện cho trạm hoạt động. Tuy nhiên, VNPT vẫn bảo đảm các tuyến truyền dẫn trục nội tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền phòng chống bão.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.