(HNM) - Tiện chuyến công tác từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, dịp trung tuần tháng 9, anh Trường tranh thủ về thăm người chú đang sinh sống tại Thanh Câu (Thạch Thất). Trong câu chuyện rôm rả bên ấm chè xanh hãm đặc sánh, chú anh Trường bảo:
- Quê mình bây giờ bà con cứ tự làm khổ nhau xung quanh chuyện ăn cỗ "trả nợ miệng" trong mùa cưới đấy cháu ạ!
- Cháu cứ ngỡ bây giờ cưới văn minh, tiết kiệm thì cỗ bàn sẽ giảm chứ ạ.
- Đấy là do cháu đi xa lâu ngày không biết đấy thôi. Cưới ở quê mình và hầu hết các vùng nông thôn nạn ăn uống còn linh đình lắm. Đám cưới vẫn ăn uống 2 ngày tới cả trăm mâm cỗ.
- Chỉ chỗ gần gũi, thân thích thì mới mời chứ ạ!?
- Ở nông thôn không thế được đâu. Quan hệ làng xóm, dòng họ chằng chịt không mời không được. Họ hàng, làng xóm "dây mơ rễ má" mời tất; mà chả lẽ có "thỉnh" lại không đến. Có ngày chú "dính" mấy đám cưới liền. Tiền lương hưu không đủ nên nhiều bận chú phải vay nóng để lấy tiền mừng cưới đấy. Nhiều nhà làm nông nghiệp thuần túy phải bòn mót hạt lúa, củ khoai, con gà, quả trứng đem bán để lấy tiền mừng cưới.
- Biết là khổ như vậy, sao không tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm, mời ăn cỗ ít thôi hả chú?
- Lệ làng mà cháu. Với lại, nhiều người cũng thích "oai", ai cũng ngại tổ chức cưới cho con mà úi xùi thì thiên hạ người ta cười cho. Thế nên, bây giờ các đám cưới thi nhau tổ chức "hoành tráng" với tâm lý nhà sau tổ chức không được hơn thì chí ít cũng phải bằng nhà trước. Khi gió heo may về, mùa cưới mở ra thì cũng là mùa lo đấy cháu ạ!
Người Xây Dựng ghi lại câu chuyện trên đây của hai chú cháu anh Trường về thực trạng đáng buồn xung quanh tiệc cỗ cưới linh đình đang diễn ra ở vùng nông thôn, để may ra lay động một chút nào đấy những người có ý thức, trách nhiệm, gương mẫu tiên phong đi đầu thực hiện việc cưới cho con, cháu trong gia đình theo nếp sống mới văn minh, tiết kiệm, tạo tiền lệ tốt và từng bước thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tục "trả nợ miệng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.