Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa lễ hội năm 2010: Cần “gạn đục, khơi trong”

Minh Ngọc| 08/02/2010 06:40

Cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trung bình mỗi ngày có tới 22 lễ hội * Việc phân cấp quản lý chưa thống nhất dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm (HNM) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, từ bản làng xa xôi cho tới phố phường đô thị lại rộn ràng không khí lễ hội (LH). Ở một khía cạnh nào đó thì việc người dân đi LH ngày càng đông đã khẳng định sự phát triển của xã hội.


Nhưng ở khía cạnh khác, công tác tổ chức, quản lý LH trong những năm gần đây "có biểu hiện quan liêu, khoán trắng, tự phát tràn lan, đáng chú ý là hiện tượng chia chác, cờ bạc, lợi dụng LH để hoạt động mê tín dị đoan..." (đánh giá của Ban Chấp hành TƯ Đảng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị) là vấn đề cần khắc phục. Để "gạn đục, khơi trong" trong mùa LH năm 2010, Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức giao ban trực tuyến tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Lễ khai hội chùa Hương 2009.    Ảnh: Trọng Đức


Quá tải và lộn xộn

Theo thống kê của Bộ VH,TT&DL, cả nước hiện có 7.966 LH, trong đó có 7.039 LH dân gian, 322 LH lịch sử, 544 tôn giáo, 64 LH văn hóa du lịch, ngày hội văn hóa và 10 LH "nhập khẩu" từ nước ngoài. Như vậy, trung bình một ngày cả nước diễn ra 22 LH, ấy vậy mà LH nào cũng nhộn nhịp, cũng đông vui, nhất là những LH trong "tháng ăn chơi". Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết: Mùa lễ hội năm 2009, chùa Hương dự kiến đón hơn một triệu lượt khách nhưng chỉ trong ngày khai hội đã có 6 vạn lượt khách tới tham dự; LH Yên Tử dự kiến đón 2 triệu lượt khách và chỉ trong 2 tuần đầu tháng Giêng đã đón trên 20 vạn lượt; LH Đền Hùng đón trên 3 triệu lượt khách, LH Khai ấn Đền Trần chỉ trong ngày khai mạc đã đón trên 8 vạn lượt khách... Lượng khách quá đông khiến mọi ngả đường vào các LH đều tắc nghẽn và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ được dịp "chém đẹp" du khách, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thì LH thường diễn ra ở các di tích quan trọng, trong khi đó việc phân cấp quản lý di tích ở nhiều nơi lại không thống nhất, có những nơi do ban quản lý di tích quản lý về chuyên môn, công ty kinh doanh phụ trách khâu vận chuyển và dịch vụ nên khi xảy ra sự cố trong LH, các đơn vị đổ trách nhiệm cho nhau, đùn đẩy nhau giải quyết. Hơn thế, một số nơi do quá chú trọng khai thác giá trị kinh tế mà làm phai mờ bản sắc văn hóa LH. Chẳng hạn như việc lập quá nhiều ban thờ, đặt nhiều hòm công đức tại LH. Chung nỗi băn khoăn này, ông Lê Toán, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Do thiếu quy định rõ ràng về việc sử dụng tiền công đức trong các LH nên nguồn thu công đức ở đền, phủ ở Quảng Ninh hiện nay do thủ nhang quản lý, tiền công đức ở các chùa do nhà sư trong chùa quản lý, UBND xã, huyện chỉ quản lý tiền cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ, dẫn tới nghịch lý các khu di tích, danh lam thiếu tiền để tu bổ, tôn tạo, trong khi lượng tiền công đức có nơi tới hàng tỷ đồng mỗi mùa LH đi đâu, chi vào việc gì không ai hay biết...

Vì một mùa LH văn hóa

Theo lý giải của GS-TS Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Khoa học xã hội) thì cốt lõi của vấn đề ở đây là do tư duy tiểu nông, làm ăn chụp giật vốn tồn tại trong ý thức của nhiều người làm kinh doanh tại các LH, còn một số nhà quản lý thì cho rằng, đó là chuyện đương nhiên vì có "tả tơi" mới là đi hội.

Về vấn đề quản lý "tiền giọt dầu", ông Nguyễn Đăng Túc, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm và còn thiếu một văn bản pháp lý hướng dẫn nên các địa phương khá lúng túng khi sử dụng nguồn công đức này. Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Đức Tuấn, đại diện Văn phòng Bộ VH,TT&DL tại Đà Nẵng. Theo ông, trong cơ chế thị trường, tâm lý "phú quý sinh lễ nghĩa" đã làm nảy sinh nhiều hiện tượng trái ngược với những giá trị truyền thống của LH và các địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục, thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có định hướng đúng đắn để nâng cao hiệu quả quản lý. Còn Giám đốc Sở VH,TT&DL Hải Dương Đặng Việt Cường lại đề cập đến vấn đề quản lý LH ở góc độ cần thiết phải tiến hành quy hoạch LH. Ông cho biết, năm 2008, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch tổng thể và chi tiết LH đến năm 2015, nhờ đó LH Côn Sơn - Kiếp Bạc và LH Cửa Ông năm 2009 có nhiều tiến bộ...

Ý kiến ngược xuôi thì nhiều song vấn đề cốt lõi nhất chính là ý thức của cán bộ và nhân dân khi tham gia LH. Vì thế, Bộ VH,TT&DL yêu cầu các địa phương triển khai tốt kế hoạch tổ chức và quản lý để LH năm 2010 thực hiện đúng tinh thần an toàn, tiết kiệm, phát huy bản sắc và giá trị truyền thống; đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên thanh tra, kiểm tra trong những tháng cao điểm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa lễ hội năm 2010: Cần “gạn đục, khơi trong”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.