Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mưa hơn 204mm, 59 tuyến đường tại TP HCM chìm trong biển nước

Hà Phạm| 27/09/2016 14:21

(HNMO) - Chiều 26-9, trời bắt đầu mưa lúc 16h45 phút chiều và mở rộng khắp TP Hồ Chí Minh, chỉ trong thời gian khoảng 1h30 phút, lượng mưa phổ biến từ 101 mm đến 204,3 mm đã gây ngập 59 tuyến đường.


Ghi nhận tình hình ngập nặng tại đường Lương Định Của (quận 2) vào sáng ngày 27-9.


Vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước

Đó là thông tin được Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) công bố vào sáng ngày 27-9. Theo đó, sau trận mưa cực lớn, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra ngập tại 59 tuyến đường, chiều sâu ngập từ 0,1 m đến 0,5 m, diện tích ngập từ 100 m2 đến 30.000 m2. Nặng nhất là khu vực đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1), lượng mưa 204,3 mm từ thời gian 16h45 phút đến 18h30 phút chiều tối ngày 26-9.

Theo đánh giá từ Trung tâm chống ngập, trận mưa trên đã vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Bởi, theo Quyết định 752/QĐ-TT, đối với tuyến cống cấp 2, vũ lượng mưa đạt trong 1h30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,7 mm.

Đối với khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), thời gian mưa từ 16h30 phút đến 17h50 phút, lượng mưa đạt 170,3 mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu ngập 30 cm, thời gian nước rút khoảng 1h sau mưa.

Theo đánh giá của Trung tâm chống ngập, tình hình đã cải thiện hơn nhiều so với trận mưa ngày 26-8 trước đó do đã cải tạo xong 7 vị trí cống băng ngang đường tuyến Mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước thuộc Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh cho hay: "Trận mưa chiều ngày 26-9 là trận mưa cực đoan". Một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập trong thời gian mưa như: đường Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân...

Về nguyên nhân, ông Long cho hay, tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến; tình hình xử lý còn chậm.

Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng các dự án chống ngập (giai đoạn 2016-2020) đã triển khai thực hiện nhưng tiến độ chậm do vướng thủ tục (như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án cải tạo rạch Ông Búp, kênh tiêu Liên Xã…), hoặc tiến độ thi công chậm như Xa lộ Hà Nội (chân cầu Rạch Chiếc), Nguyễn Văn Quá…

Một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu. Ngoài ra, một số tuyến đường đã xử lý ngập bằng giải pháp tạm (đấu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu….), trong khi chờ các dự án lớn triển khai đã xuất hiện ngập khi mưa to.



Nước vẫn ngập sâu…

Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 27-9, trên đường Lương Định Của (quận 2), nước vẫn dâng cao hơn 0,5 m. Nhiều đoạn, nước tràn vào nhà dân gây hư hại tại sản. Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống dọc tuyến đường, trận mưa vào chiều tối 26-9 khiến nước chảy mạnh và ngập vào nhà, khiến cả đêm gần như thức trắng để kê đồ lên cao cũng như dọn dẹp bùn đất.

Tại đoạn ngập kéo dài từ cầu Thủ Thiêm đến gần giao lộ với đường Trần Não, do giờ cao điểm đi làm buổi sáng nên tình trạng ngập sâu đã làm cho tình hình giao thông qua đây gần như bị tê liệt hoàn toàn. Hàng trăm phương tiện đi qua đây bị chết máy, dắt bộ, nhiều người phải tìm hướng lưu thông khác.

Trong khi đó, tại khu vực quận Thủ Đức, Bình Thạnh, nhiều khu vực trũng thấp nước vẫn chưa rút hết. Nhiều tuyến hẻm bên Quốc lộ 13, đường Nguyễn Xí… nước vẫn dâng cao hơn 0,3 m, rác thải nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi nồng nặc. Nghiêm trọng hơn, trên đường Ấp Chiến Lược (quận Bình Tân), nước đen bốc mùi hôi thối đọng lại khiến giao thông qua lại gặp khó khăn, khiến sinh hoạt của người dân trở nên đảo lộn. Nhiều hộ dân trên đường Ấp Chiến Lược phải dùng các bao tải cát đắp trước cửa để ngăn nước vào nhà.

Để giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, năm 2016, Trung tâm Chống ngập triển khai thực hiện 70 hạng mục công trình cấp bách (đấu nối, mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo một số đoạn cống làm thu hẹp dòng chảy cho điểm ngập…).

Hiện Trung tâm Chống ngập đang vận hành 3 trạm bơm nước thải có khả năng hỗ trợ thoát nước trong thời điểm mưa gồm: Trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh), có công suất 64.000 m3/h (17,8 m3/s), công suất cực đại là 76.800 m3/h, thu nước từ mạng cống thoát nước từ thượng lưu (Út Tịch, Lê Bình - quận Tân Bình) dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến hạ lưu (Nguyễn Hữu Cảnh - quận Bình Thạnh) thông qua các CSO và tuyến cống bao đưa về trạm bơm mà không thoát thẳng ra kênh.

Trạm bơm Đồng Diều (quận 8), công suất 8.000 m3/h (2,2m3/s), thu nước từ mạng lưới cống thoát nước một phần khu vực quận 1, 3, 5, 10 thông qua các DC và tuyến cống bao đưa về trạm bơm mà không đổ ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.

Trạm bơm Bình Hưng Hòa, công suất 1.800 m3/h (0,5m3/s), thu gom nước từ thượng lưu kênh Nước Đen, thuộc địa bàn quận Tân Phú để đưa vào nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa hơn 204mm, 59 tuyến đường tại TP HCM chìm trong biển nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.