(HNM) - Cách đây hơn một năm, khi các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện vụ tấn công kinh hoàng tại thủ đô Paris (Pháp) đêm 13-11, nhiều nhận định đã cho rằng, đây mới chỉ là ngày mở màn cho chuỗi
Người dân Berlin tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tấn công bằng xe tải đêm 19-12. |
Nhận định đó đã đúng với những gì đang xảy ra ở Cựu lục địa. Sau Paris, một loạt vụ tấn công khác đã xảy ra ở nhiều thành phố lớn như Brussels (Bỉ), Munich (Đức), Nice (Pháp)... Mới đây nhất, vụ tấn công bằng xe tải ở thủ đô Berlin của Đức và vụ sát hại Đại sứ Nga tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) trong cùng một ngày khiến mối lo khủng bố gia tăng chưa từng có.
Không giống như vụ tấn công tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo (Pháp) tháng 1-2015 nhằm vào những người được cho là đã có những tác phẩm xúc phạm tới đạo Hồi, những vụ khủng bố sau này tại Châu Âu, các thành viên IS hướng hoàn toàn mục tiêu tới dân thường, nhằm gieo rắc sự sợ hãi và cảm giác bất an lấn át cuộc sống yên bình. Trong khi đó, lực lượng an ninh vẫn tỏ ra lúng túng trước những kế hoạch tấn công ngày càng đa dạng của "những con sói cô độc".
Mặc dù ngay sau vụ tấn công tại Paris, một loạt quốc gia Châu Âu đã nâng mức độ cảnh báo an ninh và tăng cường các lực lượng kiểm soát, song thảm kịch khủng bố vẫn xảy ra. Rõ ràng, ở một đất nước có những thiết bị an ninh tối tân như Đức, Pháp, Bỉ, việc lên kế hoạch khủng bố và trao đổi thông tin mà không bị phát hiện là việc thực sự khó. Điều này chứng tỏ, các nhóm khủng bố dường như đã thành công khi thiết lập được mạng lưới những chiến binh nằm vùng trung thành và có khả năng qua mắt các nhà chức trách. Ngoài ra, các phần tử cực đoan đang khai thác một cách hiệu quả lỗ hổng an ninh ở Châu Âu để có thể tái diễn kịch bản ở Paris, ở Berlin hoặc tại bất cứ nơi nào chúng muốn.
Sau hàng loạt vụ khủng bố, nhiều phân tích về tình hình an ninh của khu vực đã chỉ ra rằng, một trong những rào cản khiến các thành viên Liên minh Châu Âu (EU) khó ngăn chặn những âm mưu tấn công đơn lẻ chính là sự vận hành của các cơ chế phối hợp chưa thực sự hiệu quả. Theo các chuyên gia, một trong những chìa khóa cho cuộc chiến chống khủng bố là chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, những tin tức này là một lĩnh vực thuộc chủ quyền quốc gia, vì thế các nước không sẵn sàng chia sẻ hoặc chia sẻ một cách rất hạn chế. Nói cách khác, việc bảo đảm an ninh vẫn là cuộc chiến đơn lẻ của từng quốc gia dù Châu Âu đã có khá nhiều công cụ nhằm triển khai các hành động tập thể vì mục tiêu an ninh chung. Vì thế, một hệ thống hạ tầng thông tin chống phần tử cực đoan ở phạm vi châu lục chưa được xây dựng. Đây chính là hạn chế về mặt hợp tác an ninh giữa các nước trong EU.
Lẽ ra thời điểm này, người dân Châu Âu đang được hưởng những giây phút thanh bình, vui vẻ khi Giáng sinh và năm mới đang đến rất gần. Thay vào đó, họ lại phải hứng chịu nỗi đau tràn ngập như một ai đó đã viết lên tấm biển tại nơi xảy ra vụ tấn công ở Berlin: "Trái tim nước Đức đang quặn thắt". Đáng ngại hơn là, Châu Âu đang bị cuốn vào một cuộc chiến ngay trên lãnh thổ của mình và đối mặt với các phần tử trong bóng tối. Với Lục địa già, chống khủng bố không phải là cuộc chiến mới. Tuy nhiên, sau những gì vừa xảy ra tại Berlin và Ankara, cuộc chiến này buộc phải bước sang giai đoạn mới để đối phó với các hoạt động khủng bố ngày càng nguy hiểm hơn, tàn bạo hơn. Đây thực sự là một thử thách lớn mà Châu Âu phải đối mặt kể từ sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc.
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chia buồn vụ tấn công bằng xe tải tại Đức Được tin về vụ tấn công bằng xe tải vào khu chợ Giáng sinh tại Berlin vào ngày 19-12 làm nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương, ngày 21-12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Đức J.Gauck, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Đức A.Merkel. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.