(HNM) - Sau khi thực hiện điều chỉnh viện phí dần tiệm cận với giá thị trường, tháng 4-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chỉ thị nhằm hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép, không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ nhập viện…
Tuy nhiên thời gian qua, tình trạng bệnh nhân nằm ghép, nằm hành lang vẫn diễn ra ở nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện (BV) tuyến trung ương. Trước áp lực quá tải, đến nay, một số BV lớn như Bạch Mai, Ung bướu và Phụ sản trung ương… chưa dám ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.
Câu chuyện trên hẳn không gây ngạc nhiên, bởi lẽ quyết tâm thì có thừa nhưng những giải pháp đưa ra mới chỉ là tình thế. Vì thế, câu chuyện quá tải BV dù bước đầu đã có cải thiện nhưng về căn bản chỉ là “chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Nói cách khác giải pháp vẫn chỉ là “múa gậy trong bị”.
Nói đâu xa, ở một số BV, người bệnh được “gợi ý” sang nằm giường dịch vụ nếu không sẽ phải chuyển về tuyến dưới trong khi chưa hết đợt điều trị. Ở nhiều nơi, giường bệnh, buồng bệnh được tận dụng để kinh doanh dịch vụ theo yêu cầu thì bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có bảo hiểm y tế phải nằm ghép là không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân của quá tải BV không quá khó để nhận ra khi tình trạng bệnh nhân vượt tuyến diễn ra rất phổ biến. Và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do chất lượng khám chữa bệnh ở các BV tuyến dưới còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất thiếu, trình độ của cán bộ điều trị, chăm sóc còn yếu… Do đó, nếu không cải thiện được tình trạng khám chữa bệnh ở tuyến y tế này thì rất khó lòng cải thiện tình hình.
Ngoài ra, để giảm tải cho tuyến y tế trung ương, các BV nên triển khai một số giải pháp giảm tải ở khoa khám bệnh như ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bệnh án điện tử, xây dựng hệ thống chuyển mẫu tự động, sử dụng thẻ khám bệnh có mã vạch, thư ký y khoa… Bên cạnh đó có thể thực hiện thêm một số biện pháp như: Trừ các ca cấp cứu, đối với các ca mổ, các BV cần thống nhất thực hiện tất cả các thủ thuật xét nghiệm trong một ngày, rồi hẹn bệnh nhân thời gian mổ (với những bệnh không phải cấp cứu) để hạn chế tình trạng nằm viện chờ mổ cũng như tiết kiệm chi phí. Ở giai đoạn hậu phẫu, BV có thể phối hợp với các BV tư nhân, BV tuyến dưới hỗ trợ giảm tải theo một cơ chế phối hợp thỏa thuận giữa hai bên và có sự đồng ý của bệnh nhân. Về giải pháp vĩ mô, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án BV vệ tinh, nhất thiết phải nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tại các BV tuyến dưới ngay từ khâu đầu vào.
Thực tế hệ thống cơ sở vật chất BV của Ngành Y đang thiếu hụt không đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Vấn đề này cũng không còn là việc riêng của Ngành Y cũng như riêng Ngành Y không thể làm nổi. Trong khi đó, áp lực giảm tải cũng như tăng thu nhập cho y, bác sĩ, nên nhiều nơi “giật gấu vá vai”, cơi nới tối đa khu điều trị. Nhưng đến một lúc nào đó, khi không thể cơi nới thêm, không thể thu hút được người tài vào nghề y và không thể cố thêm được nữa thì chủ trương cam kết không để bệnh nhân nằm giường ghép có được nghiêm túc duy trì nữa không?
Gần đây, nhờ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, cơ sở vật chất ở nhiều BV đã khá hơn, nhưng vấn đề nhân lực, chất lượng còn bất cập. Giải quyết quá tải BV không phải là việc ngày một ngày hai, nhưng phải thi hành ngay các biện pháp ngắn hạn, trung hạn, chứ không chỉ là cam kết “trên giấy”. Một lộ trình cụ thể để chấm dứt cảnh "múa gậy trong bị" chắc chắn khiến nhân dân thêm tin tưởng, chia sẻ và đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp đối với Ngành Y trong nỗ lực thay đổi hình ảnh, chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.