Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa đông "nóng" tại Trung Quốc

Vân Khanh| 02/12/2010 06:48

(HNM) - Những cơn gió đầu mùa đã báo hiệu một mùa đông lạnh giá tại Trung Quốc. Thế nhưng, người dân quốc gia đông dân nhất thế giới đang cảm nhận một mùa đông khắc nghiệt hơn với cơn bão giá đang căng “sức nóng” do hàng loạt mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng với tốc độ phi mã. Sức ép lạm phát đang có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến thành tựu kinh tế được ví như phép màu nhiệm của Trung Quốc.

Số liệu chính thức đã phát đi những con số đáng giật mình, năm qua giá trung bình 18 loại rau tại 36 thành phố Trung Quốc đã tăng 62,4%. Giá một số mặt hàng khác như gừng tỏi tăng đến hơn 50% chỉ trong vài tháng. Guồng quay dữ dội của giá cả đã khiến chỉ số giá cả tiêu dùng vào tháng 10-2010 ở nước này đã tăng 4,4%, mức cao nhất từ hai năm nay và cao hơn mục tiêu 3% đặt ra cho năm 2010.

Giá nông sản Trung Quốc thời gian qua đã tăng chóng mặt.

Thể hiện quyết tâm bình ổn thị trường nhằm đối phó với cuộc chiến lạm phát đầy cam go, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm soát trực tiếp giá bán các nhu yếu phẩm tiêu dùng chủ chốt và cải thiện hệ thống trợ giá. Theo tính toán, từ cuối tháng 9, Bắc Kinh đã xuất hàng từ kho dự trữ để kiềm chế đà tăng chóng mặt của nhiều mặt hàng, đưa ra thị trường đến 62.000 tấn thịt lợn, 210.000 tấn đường và dự kiến "bơm" thêm 200.000 tấn đường khác với giá bằng 2/3 giá thị trường. Mổ xẻ căn nguyên làm thị trường hàng hóa nóng bất thường trong một thời gian không dài, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, không kể yếu tố mùa vụ khi giá hàng nhu yếu phẩm thường có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và sát Tết Nguyên đán, yếu tố đầu cơ đã có một vai trò không nhỏ. Kiên quyết chống lại vấn nạn có thể sẽ khiến giá cả trở thành con ngựa bất kham, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương điều tra và trừng phạt nghiêm khắc các hành động đầu cơ làm giá và găm hàng hòng thao túng giá nông sản và các hàng hóa thiết yếu khác. Vấn đề đang trở nên cấp thiết khi đầu cơ được xem là thủ phạm khiến giá đỗ xanh, dầu diezel và bông tăng mạnh. Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng bong bóng giá gây nguy hiểm cho nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã tăng phí giao dịch đối với các hợp đồng nông sản và kim loại, cấm tích trữ dầu, than cũng như không ngại "chỉ mặt" những công ty vi phạm quy định bán giá dầu diezel cao hơn mức trần quy định. Bên cạnh đó, một loạt giải pháp như tăng cường nguồn cung cấp rau xanh, trợ cấp thu nhập cho người nghèo, ổn định giá khí đốt, quản lý việc thu mua bông và ngô đang hy vọng sẽ kiềm chế được vòng xoáy của bão giá.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, một mặt vẫn cần thiết phải áp dụng những biện pháp làm dịu nỗi lo lạm phát đang ngày ngày tác động đến đời sống của từng hộ gia đình Trung Quốc. Nhưng mặt khác, về dài hạn, Bắc Kinh phải đối phó được vấn đề nan giải hiện là cội nguồn của lạm phát, đó là tình trạng có quá nhiều tiền lưu hành như hậu quả của nạn dư thừa thanh khoản.

Là con át chủ bài tạo nên sự thần kỳ kinh tế Trung Quốc nhưng xuất siêu, cán cân tư bản luôn nghiêng về phía quốc gia châu Á cùng đồng nhân dân tệ được cho là thấp hơn giá trị thực tạo nên sự gia tăng tất yếu của dòng vốn vào được nhìn nhận là yếu tố cơ bản của tình trạng lạm phát tại Trung Quốc hiện nay. Đối mặt với hiểm họa này, Bắc Kinh đã thực thi nhiều chính sách kinh tế như tăng lãi suất ngân hàng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn chế cho vay và thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn tồn tại khi các biện pháp điều chỉnh thị trường bất động sản để hạn chế bong bóng đã đẩy giới đầu cơ chuyển sang lĩnh vực nguyên liệu và nông sản, làm tăng giá hàng hóa tăng bất ngờ. Ngoài ra, người khổng lồ châu Á cũng đang phải gánh chịu những hậu quả từ chính sách tài chính của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ. Như cảnh báo, gói hỗ trợ kinh tế lần hai trị giá 600 tỷ USD từ quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương đã tạo nên những dòng vốn nóng đổ vào Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại săn tìm lợi nhuận cũng đang không ngừng đưa tiền vào nền kinh tế mới nổi này.

Sau những thập kỷ thần tốc, Trung Quốc đang đối mặt với tác động từ nền kinh tế phát triển quá nóng. Giá cả leo thang đẩy lạm phát tăng cao đang mang theo nguy cơ gây tác hại đến các thành tựu kinh tế của Trung Quốc cũng như sự cất cánh mới mà quốc gia này mong đợi trong tương lai. Nguy cơ này không thể không tác động đến các nền kinh tế trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa đông "nóng" tại Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.