(HNM) - Cuối cùng, sự bình yên cũng đã trở lại với người dân Thái Lan. Trật tự an ninh được vãn hồi ở thủ đô Bangkok sau hơn 2 tháng náo loạn vì các cuộc biểu tình. Hàng ngàn người "áo đỏ" thuộc Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) đã rời Bangkok.
Nhân viên vệ sinh dọn dẹp tại Bangkok sau làn sóng bạo lực gây thiệt hại lớn ở thủ đô. Ảnh: Washington Post. |
(HNM) - Cuối cùng, sự bình yên cũng đã trở lại với người dân Thái Lan. Trật tự an ninh được vãn hồi ở thủ đô Bangkok sau hơn 2 tháng náo loạn vì các cuộc biểu tình. Hàng ngàn người "áo đỏ" thuộc Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) đã rời Bangkok.
Song, với người dân Thái Lan, ám ảnh về một "trận bão" kinh hoàng nhất trong gần 2 thập kỷ qua chưa thể nguôi ngoai. Sức tàn phá ghê gớm của nó gây ra cho đất nước Chùa Vàng là không thể đong đếm hết được.
Chưa có số liệu thống kê chính thức về thiệt hại, song Tổng cục Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDB) dự đoán tổn thất về kinh tế do khủng hoảng chính trị và biểu tình bạo lực gây ra ước tính lên tới 100 tỷ baht, chiếm 1% tăng trưởng GDP của Thái Lan. 85 người đã phải trả giá bằng mạng sống của mình, trong khi hơn 1.900 người khác bị thương trong những ngày qua. Chưa dừng lại ở đó, các cuộc biểu tình đã giáng một đòn chí mạng vào tâm lý của du khách cũng như các nhà đầu tư thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh một đất nước Thái Lan tươi đẹp và thân thiện. Thực trạng này đã buộc Cơ quan Du lịch nhà nước Thái Lan phải giảm chỉ tiêu thu hút 15,5 triệu khách du lịch trong năm nay xuống còn 13 triệu khách. Hai tháng biểu tình với tuần lễ "cao điểm" vừa qua đã cướp đi 0,2% mức tăng trưởng GDP của nước này... Đây là cái giá quá đắt sau những bất ổn xã hội trong ít ngày qua.
Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả những gì do bất ổn gây ra. Thách thức lớn nhất mà Thủ tướng Abhisit vừa thừa nhận trên truyền hình (ngày 21-5) trong thời kỳ hậu khủng hoảng hiện nay, đó là hàn gắn "vết thương" vừa bị khoét sâu thêm trong lòng dân tộc. Trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ như hiện nay, việc tìm lời giải cho bài toán dung hòa lợi ích giữa các "sắc màu" ở Thái Lan thật không đơn giản. Sự phân cực ngày một lớn giữa tầng lớp trung lưu giàu có ở thành phố và những người nghèo ở nông thôn đã khiến bất đồng trong xã hội Thái Lan bùng nổ thành các cuộc biểu tình bạo lực.
Dù sao đi chăng nữa, cuộc khủng hoảng vừa qua tại Thái Lan là bài học đắt giá về phong trào "dân chủ thái quá" vốn đang tồn tại ở nhiều quốc gia có lắm phe, nhiều phái. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, sự bất ổn của một quốc gia sẽ không chỉ làm suy giảm đà phát triển kinh tế của quốc gia đó, mà còn kéo theo hệ lụy cho nền kinh tế cả khu vực cũng như các nền kinh tế liên quan. Cuộc "trình diễn áo đỏ" trong tuần tại thiên đường mua sắm Ratchadamri ở Bangkok đã thổi bay ngót 300 triệu USD khi hơn 30 tòa nhà, trong đó có Central World và Big C bị đốt phá. Cho dù đây chỉ là "công việc nội bộ", nhưng sự ổn định của Thái Lan có ý nghĩa quan trọng với các nước ASEAN khi Hiệp hội đang tiến tới hình thành Cộng đồng vào năm 2015. Nền kinh tế Thái Lan - nơi khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 13 năm - không ổn định sẽ gây không ít khó khăn cho khu vực khi dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy đi nơi khác.
Thủ đô Bangkok yên tĩnh trở lại, song, điều đó không có nghĩa mọi "cội rễ" của khủng hoảng đã được giải quyết. Ngược lại, mầm mống của sự chia rẽ vẫn còn đó và những cái "áo đỏ" vẫn ám ảnh xứ sở được mệnh danh là đất nước của những nụ cười. Vì thế, nguy cơ biểu tình là điều vẫn được dự báo tại Thái Lan trong thời gian tới. Nhận định này có cơ sở, bởi ngay sau khi quân đội giải tán người biểu tình ở thủ đô Bangkok, bạo lực đã lan về các vùng nông thôn ở Đông bắc Thái Lan - nơi được coi là sân nhà của những người "áo đỏ". Chưa có dấu hiệu cho thấy những người biểu tình ngừng gây áp lực trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay ở Thái Lan. Trong khi đó, một số thành viên trong liên minh cầm quyền đã lên tiếng có thể buộc Thủ tướng Abhisit chịu trách nhiệm về những tổn thất trong cuộc biểu tình vừa qua tại Bangkok.
Mưa đã qua, nhưng trời chưa sáng. Chính phủ Thái Lan đang gồng mình với một loạt nỗ lực tái thiết đất nước sau khủng hoảng. Hy vọng rằng, đất nước của những nụ cười sớm được ổn định thật sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.