(HNMO) – Sáng nay (6-10), Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội 15 năm sưu tầm nghiên cứu và phục dựng”.
Nhiều chương trình múa cổ Hà Nội đã được tổ chức biểu diễn tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ |
Theo các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam, đề tài “Múa cổ Hà Nội” đã được tập thể nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội kiên trì tiến hành qua 15 năm liên tục (2000- 2015), đến giờ đã có những kết quả cụ thể. Theo nhà nghiên cứu Hùng Thoan, trong 15 năm Hội đã sưu tập và ghi hình 13 hình thức múa trong 8 lễ hội, lễ thức và bộ sưu tập 59 hình thức múa trong lễ hội làng và các lễ thức dân tộc.
Sau 15 năm nghiên cứu, sưu tầm, ghi hình, nhà nhà nghiên cứu đã ghi lại được trọn vẹn những điệu múa cổ rất truyền thống và có “tuổi thọ” lâu đời tại Hà Nội, có thể kể đến là: “Con đĩ đánh bồng”, “Chạy cờ” trong hội xuân làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), “Lễ chữ” (trong hội làng Chử Xá, huyện Gia Lâm), “Rắn lột” trong hội làng Trường Lâm (quận Long Biên), “Giảo long” (hội làng Lệ Mật, quận Long Biên), “Bài Bông” (trong hội làng Phú Nhiêu, huyện Thường Tín)... Đây là lần đầu tiên, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội ghi lại được một số lượng đáng kể các hình thức múa dân gian cổ truyền tại một số lễ hội tiêu biểu diễn ra trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều chương trình múa cổ Hà Nội sẽ được phát huy trong thời gian tới |
Bên cạnh những điệu múa cổ đã được ghi hình, thời gian tới, các nhà nghiên cứu tiếp khảo sát và ghi tên thêm những điệu múa cổ của người Hà Nội vào danh mục như: múa hội “Dô” (Liệp Tuyết, Quốc Oai), múa “Rồng lửa” (hội Đống Đa, Khương Thượng), múa “Phượng” hội chùa Thánh Chúa (Cầu Giấy), múa “Gậy” hội Bô Đầu (Thường Tín), “Tứ linh” (hội Xuân Đỉnh, Tây Hồ), “trống Đại lộ” hội đền Đại lộ (Thường Tín)…
Từ nhiều năm nay, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội luôn ý thức việc giới thiệu những điệu múa cổ đến đông đảo công chúng, đã có nhiều chương trình biểu diễn những điệu múa cổ của Thăng Long – Hà Nội diễn ra tại tượng đài vua Lý Thái Tổ và đã thu hút công chúng.
Đại diện Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tiến hành sưu tầm những điệu múa cổ truyền của Hà Nội; xây dựng chương trình múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội để tiếp cậncông chúng; tiến hành so sánh múa cổ Thăng Long với múa cổ truyền Việt Nam; tiến hành biểu diễn các điệu múa cổ gắn với các sự kiện của Hà Nội và đất nước để giới thiệu tới công chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.