Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa biển mới đang vẫy gọi…

Thanh Nhị| 02/03/2016 06:42

(HNM) - Quan niệm của ngư dân Quảng Ngãi hành nghề đánh bắt xa bờ, cứ qua Rằm tháng Giêng mà trời trong, nắng đẹp là ra khơi mở biển đầu năm. Với ngư dân dẫu đi biển đến nửa đời người thì

Niềm vui của ngư dân Quảng Ngãi trước mùa biển mới.


Thẳng hướng Hoàng Sa

Nhắc đến Lý Sơn là nhớ đến Đội hùng binh Hoàng Sa một thuở không xá thân mình theo lệnh vua ban đi dựng bia cắm mốc chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa. Dòng chảy hào hùng từ quá khứ vẫn cuồn cuộn hôm nay. Hơn 400 tàu đánh cá của huyện đảo, trong đó chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn luôn thẳng hướng ngư trường truyền thống Hoàng Sa mỗi khi ra khơi. Họ bám biển vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau những ngày dài nghỉ Tết, hàng loạt tàu cá của ngư dân Lý Sơn bắt đầu nhổ neo ra khơi ngập tràn hy vọng về phiên biển đầu năm cá nặng khoang thuyền. Khi những tia nắng sáng xuân ngọt vàng rớt mặt biển là lúc nghi lễ cúng ra khơi đầu năm hoàn thành. Những con tàu cá công suất lớn của huyện đảo rẽ sóng. Mỗi con tàu chở theo nhu yếu phẩm, ngư lưới và những người đàn ông của biển kiên cường, gan dạ. Cờ đỏ sao vàng trên nóc tàu tung bay trước gió. Nụ cười tiễn người thân đi biển của các mẹ, các chị bám theo những con tàu lẫn vào màu xanh của đại dương.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, đảo Lý Sơn cho biết: "Nghiệp đoàn có 53 tàu cá đánh bắt xa bờ, đến thời điểm này đã nhổ neo ra khơi hơn 40 chiếc. Số còn lại đang trang bị nhiên liệu, thực phẩm, đá lạnh để nay mai ra Hoàng Sa, Trường Sa". Những lão ngư một thời lái tàu dọc ngang vây cá ở Hoàng Sa, giờ tuổi cao, sức yếu đành ngồi bờ. Bụng nhớ Hoàng Sa lắm nên ngày con cháu ra khơi chuyến biển đầu năm thường ra tận bến cảng để tiễn đưa.

Lời dặn dò, cái nắm tay như tiếp thêm sức mạnh cho cháu con vượt sóng gió để chở cá từ Hoàng Sa về thật nhiều ngay trong chuyến ra quân đánh bắt đầu năm. Lão ngư Bùi Đại, Thôn Đông, xã An Hải nói: "Thời tôi một năm ở Hoàng Sa đến 10 phiên biển, tính ra thời gian trên biển gấp nhiều lần ở nhà. Giờ già, ngồi một chỗ nhớ biển lắm chứ. May mà có con cháu nối nghiệp, nên cũng còn được nghe kể chuyện đi biển Hoàng Sa". Mỗi phiên biển kéo dài chừng 30 ngày. Và giờ này của tháng sau, phiên biển đầu tiên kết thúc với hy vọng cá nặng khoang thuyền để cả năm nghề biển thuận buồm xuôi gió, đời sống ngư dân đất đảo khấm khá hơn…

Hối hả đưa đá lạnh lên tàu chuẩn bị cho phiên biển đầu năm trên con tàu hơn 700 mã lực còn thơm mùi sơn mới, ngư dân Trần Bình, xã Phổ Quang, Đức Phổ (Quảng Ngãi) luôn miệng nhắc anh em thuyền viên: Khẩn trương lên, sao cho đến chiều nay phải đưa xong 500 cây đá cùng thực phẩm, gạo lên tàu. Anh em phụ trách máy tàu kiểm tra lại bộ phận máy móc một lần nữa trước khi nhổ neo.

"Phiên biển đầu năm thường hồi hộp lắm. Tàu mới vươn khơi trong năm mới lòng cứ lâng lâng khó tả" - anh Trần Bình nói, rồi bảo cánh thuyền viên nổ máy thử. Tiếng máy tàu mới nổ giòn giã, anh cười khà như muốn khoe với chúng tôi sức mạnh của con tàu này. Vốn liếng anh đổ vào đóng chiếc tàu mới này đến gần 5 tỷ đồng, chỉ sáng mai thôi sẽ lướt sóng vươn khơi mang theo bao hy vọng cải thiện đời sống. "Mình không bỏ biển. Biển không phụ lòng mình. Cứ kỳ vọng thế mà hăng hái thẳng tiến trong mùa biển mới chị ạ" - anh Bình nói trong niềm hân hoan.

Ngày xuân, rất đông du khách khắp nơi đi về phía biển, không ít người dừng chân ở 5 bến cảng của Quảng Ngãi để cảm nhận sự reo vui thực sự của những ngày mở biển. Những con tàu sơn xanh dập dềnh lướt sóng, xa dần, xa dần và lẫn vào màu xanh đại dương.

"Lộc" của biển

Ngư dân Bùi Phải, Thôn Tây, xã An Vĩnh được Nghiệp đoàn nghề cá An Hải chọn để trao con tàu mang số hiệu QNg 96169 TS mà Quỹ Tấm lòng vàng của Liên đoàn Lao động Việt Nam đóng tặng, lái đi khơi. Hai năm đi biển, tàu hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt năm 2015, con tàu của Bùi Phải đã trở thành con tàu đánh bắt xa bờ hiệu quả nhất đảo Lý Sơn.

Gặp ngư dân Bùi Phải vào những ngày anh và các thuyền viên háo hức chuẩn bị cho phiên biển đầu năm Bính Thân. Bùi Phải cười giòn, bảo rằng: "Năm 2015, tổng doanh thu tàu mình khoảng 6 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên trong đời ngư dân tôi làm ăn gặp may mắn, đánh bắt hiệu quả nhất". Mỗi thuyền viên trên tàu của Bùi Phải qua một năm đồng hành có thu nhập từ 150 triệu đồng - 200 triệu đồng/người. Tàu QNg 96169 TS còn được hỗ trợ tiền dầu khoảng 300 triệu đồng/năm, đã phần nào giảm bớt chi phí cho mỗi chuyến đi khơi.

Nói về những yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả khai thác con tàu này, thuyền trưởng Bùi Phải nói rằng: Ngoài may mắn là luôn dò tìm trúng luồng cá, thì việc đánh bắt đạt hiệu quả còn bởi tàu QNg 96169 TS còn có nhiều tính năng vượt trội. Tàu công suất lớn, máy mới, nên tốc độ chạy biển nhanh. Vận tốc trung bình đạt 14 hải lý/giờ, nhanh gấp đôi tàu cá bình thường. Tàu đi nhanh đến ngư trường và từ ngư trường trở về bờ bán cá cũng nhanh, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm chi phí. Vì thế thu nhập của tàu tăng thêm.

Tại xã Nghĩa Phú (thành phố Quảng Ngãi), năm 2015 có khá nhiều con tàu đạt doanh thu nửa tỷ đồng mỗi chuyến ra khơi. 3 đôi tàu đánh bắt xa bờ của bà Phạm Thị Nương, ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú đạt tổng doanh thu 13 tỷ đồng. Những chiếc tàu này đều do các con trai của bà Nương là Phạm Dũng, Phạm Đen, Phạm Cương, Phạm Cường cầm lái. Nhờ khai thác hiệu quả và quản lý tốt, bà Nương đã tích lũy, đang tiếp tục đóng thêm đôi tàu mới công suất 900 mã lực trị giá 11 tỷ đồng. Dự kiến vài ba tháng nữa tàu sẽ hoàn thành, hạ thủy, nhổ neo vươn khơi.

Kể lại những câu chuyện thu nhập từ đánh bắt xa bờ trong phiên biển đầu năm mới Bính Thân, để kỳ vọng rằng trong năm 2016 sẽ có thêm nhiều con tàu đánh bắt xa bờ được khai thác hiệu quả, tạo niềm tin, động lực cho ngư dân an tâm bám biển mưu sinh, làm giàu, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa biển mới đang vẫy gọi…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.