Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua bán vắc xin phòng Covid-19 trên mạng internet: Cảnh giác với tội phạm

Thùy Dương| 28/12/2020 20:21

(HNMO) - Trong bối cảnh các nước trên thế giới bắt đầu triển khai hoạt động tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về việc các băng nhóm tội phạm có thể bán vắc xin ngừa Covid-19 giả, đánh cắp và quảng cáo bất hợp pháp vắc xin Covid-19, đặc biệt trên môi trường mạng internet.

Interpol cảnh báo vắc xin ngừa Covid-19 có thể là mục tiêu của nhiều nhóm tội phạm.

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã đưa ra cảnh báo màu cam cho các lực lượng cảnh sát ở 194 quốc gia thành viên về việc tội phạm chuẩn bị nhắm mục tiêu vào các loại vắc xin phòng Covid-19 rao bán trên mạng internet. Cơ quan này kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý y tế và thực thi pháp luật khi vắc xin được phân phối, để bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng.

Interpol cho rằng, trong bối cảnh nhiều nước tái mở cửa, cho phép dịch vụ hàng không và du lịch quốc tế hoạt động trở lại, nhiều khả năng tổ chức tội phạm sẽ sản xuất và cung cấp các bộ xét nghiệm Covid-19 giả hoặc chưa được cấp phép. Không chỉ vậy, Interpol cũng khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng khi tìm cách tiếp cận vắc xin hoặc thiết bị y tế trực tuyến, bởi điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến họ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. Các mạng lưới tội phạm được cho là sẽ nhắm mục tiêu vào những người dân không cảnh giác thông qua các trang web giả và những phương pháp chữa trị sai lầm, có thể gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe, cũng như từ các mối đe dọa an ninh mạng.

Thời gian qua, Interpol đã xác định được khoảng 3.000 trang web dược phẩm trực tuyến bị nghi ngờ bán thuốc và thiết bị y tế giả, bất hợp pháp, trong đó có 1.700 trang sử dụng các mánh khóe để lừa đảo người dân cung cấp dữ liệu cá nhân hoặc chứa các phần mềm độc hại. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công mạng nhằm vào những công ty dược phẩm và tổ chức nghiên cứu liên quan đến việc phát triển vắc xin phòng Covid-19 tiếp tục tăng đột biến. Các nguồn tin cáo buộc tin tặc đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 6 công ty dược phẩm ở Mỹ, Anh và Hàn Quốc đang nghiên cứu phương pháp điều trị Covid-19.

Mỹ hiện là quốc gia có số người nhiễm và tử vong vì vi rút SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới. Do đó ở quốc gia này, nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo đang tranh thủ tâm lý muốn tiêm chủng của người dân để trục lợi.

Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nhiều nhóm người xấu đang yêu cầu người dân Mỹ cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm để đổi lấy quyền tiếp cận vắc xin phòng Covid-19. Một vài công ty giả mạo cũng rao bán thuốc điều trị Covid-19 sai sự thật, chưa được kiểm chứng. FBI đã nhận được nhiều đơn khiếu nại về các vụ lừa đảo. Theo đó, kẻ xấu sẽ dùng nhiều cách khác nhau, lợi dụng sự quan tâm của công chúng đối với vắc xin phòng Covid-19 để đánh cắp thông tin và tài sản.

Trong khi đó, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) đang nỗ lực triệt phá các đường dây buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả mạo. Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) đã phát đi cảnh báo về 7 công ty bán những sản phẩm “không có cơ sở khoa học” để chữa Covid-19.

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 cũng đã cảnh báo mọi người tránh bị lừa đảo trên mạng internet vì hiện các sản phẩm của họ vẫn chưa được chính thức tung ra thị trường. Tuy nhiên theo truyền thông nước này, trên mạng xã hội Wechat của Trung Quốc đã từng quảng cáo các sản phẩm vliên quan vắc xin ngừa Covid-19.

Dù vắc xin phòng đại dịch đang được phân phối ở nhiều nước nhưng nguồn cung hiện tại vẫn chưa đủ cho nhu cầu của các quốc gia. Chính vì thế, các nhà phân tích cho rằng, hơn bao giờ hết, người tiêu dùng cần phải cảnh giác với các nguồn thông tin, đặc biệt là khi nói đến các loại vắc xin mới phòng ngừa Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán vắc xin phòng Covid-19 trên mạng internet: Cảnh giác với tội phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.