1. Công nghệ thông tin (CNTT) ra đời đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong cải cách hành chính (CCHC), CNTT góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tạo ra phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc mới, cải tiến hình thức cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến.
Để hướng tới việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng như xây dựng một nền hành chính hiện đại, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của CNTT. Nhiệm vụ tin học hóa hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước vừa là phương tiện, vừa là áp lực đối với yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia. Kết luận của BCH Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 58-CT/TƯ ngày 17-10-2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước nêu rõ: "Tin học hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước là bộ phận hữu cơ quan trọng của cải cách nền hành chính quốc gia, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhằm tăng cường năng lực quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả".
Để thực hiện vấn đề này, tháng 7-2012, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015.
Với vị thế của Thủ đô, chương trình nêu trên đã đặt ra nhiều chỉ tiêu cao hơn cả chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương trong cả nước. Qua hơn một năm thực hiện, dù còn có những bất cập cần giải quyết, tháo gỡ song nhiều nội dung chương trình đặt ra đã hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu ở mức cao. Điều đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy chính quyền các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức và người dân, đồng thời từng bước loại bỏ một số yếu tố phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
2. Như đã nêu, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của bộ máy chính quyền là vấn đề đã được khẳng định từ thực tế. Tuy nhiên, đây mới là phương tiện kỹ thuật, là điều kiện cần để nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Còn điều kiện đủ chính là chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy các cơ quan công quyền. Trong 5 mục tiêu của chương trình tổng thế cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, có thể thấy nhân tố quyết định chính là việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Dù có tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa thiết bị ở bộ phận "một cửa, một cửa liên thông"; triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; triển khai phần mềm "một cửa điện tử" và kế hoạch ứng dụng CNTT tại các xã làm điểm về nông thôn mới và làm điểm về CCHC... nhưng yếu tố quyết định hiệu quả cuối cùng vẫn là con người thực hiện. Do vậy, ở đâu đó vẫn còn tồn tại tình trạng "một cửa - nhiều khóa"; giải quyết công việc liên quan tới các đơn vị, tổ chức và người dân theo kiểu "hành là chính" nếu không được "bôi trơn" hoặc cơ chế "xin - cho" được biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi… là vì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa được "chuẩn hóa" hoặc những vấn đề liên quan tới đời sống sinh hoạt hằng ngày (như mức lương tối thiểu, chế độ đãi ngộ…) chưa được bảo đảm.
Mục 1 và mục 2 như đã nêu có liên quan chặt chẽ tới nhau và chính là "2 trong 1" của mục tiêu nâng cao chất lượng của bộ máy chính quyền các cấp. Để có một nền hành chính phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, các vấn đề nêu trên phải được quan tâm giải quyết đồng bộ, hài hòa. Ứng dụng CNTT, cắt giảm bao nhiêu thủ tục, tinh giản bao nhiêu bộ phận, bao nhiêu biên chế… là công việc "nội bộ" của bộ máy nhà nước. Điều các đơn vị, tổ chức, DN và người dân mong muốn và chờ đợi chính là tác động của hoạt động quản lý nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật một cách thuận tiện, nhanh gọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.