(HNM) - Sau một tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đi vào cuộc sống (1-1-2020), lượng khách uống bia, rượu tại các nhà hàng, quán ăn đã giảm rõ rệt; cùng với đó, số vụ tai nạn giao thông cũng giảm theo. Đây là những hiệu ứng rất tích cực...
Hiệu quả rõ nét
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới từ ngày 6 đến 8-1, tại quán bia Hải Xồm (số 91 đường Hoàng Quốc Việt, 48 Tăng Bạt Hổ); bia hơi Hiếu Béo (70 phố Trần Thái Tông); bia hơi Hải Hói (số 99 Mạc Thái Tổ và Ngã tư phố Trung Yên - Vũ Phạm Hàm)... lượng khách đến ăn, uống rượu bia đã giảm khoảng 50% so với trước. Ông Đỗ Danh Doãn, chủ hệ thống bia hơi Hải Hói chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày quán tiêu thụ tới vài "bom" bia (50 lít) thì nay cả ngày không hết một bom. "Để tạo sự an toàn cho thực khách, chúng tôi bố trí 2 quản lý biết lái xe ô tô, sẵn sàng lái xe hoặc hỗ trợ gọi xe cho khách ra về sau khi ăn uống. Khách gửi xe tại bãi cũng không mất phí" - ông Doãn cho biết.
Theo anh Nguyễn Việt Yên, tài xế Grabcar tại quận Cầu Giấy, tuần qua lượng khách gọi xe từ các quán nhậu tăng vọt. Dấu hiệu này chứng tỏ, nhiều người đã có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Anh Nguyễn Văn Bình, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho biết: “Dù thường xuyên phải tiếp khách uống rượu, bia và lái xe, nhưng khi đã uống rượu, bia, tôi không tự lái xe mà đi taxi”.
Ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội từ ngày 5 đến 8-1, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông giảm rõ rệt. Theo Bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn. Tuy nhiên, từ ngày 1 đến 6-1, trong tổng số gần 530 ca cấp cứu, chỉ có 44 vụ do lái xe có nồng độ cồn (chiếm 8,3%). Tại các bệnh viện như: Thanh Nhàn, E, Đa khoa Xanh Pôn,… số vụ tai nạn giao thông cũng giảm hẳn. Riêng Bệnh viện Thanh Nhàn, nếu trong đêm 31-12-2019 và 1-1-2020 có 28 trường hợp tai nạn giao thông chủ yếu liên quan đến rượu, bia, thì trong các ngày 7 và 8-1, chưa có trường hợp nào nhập viện do tai nạn giao thông.
Ghi nhận đến 11h ngày 8-1 tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, không có bệnh nhân tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Theo Tiến sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, từ ngày 1 đến 6-1-2020, bệnh viện tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó có 46 bệnh nhân có sử dụng rượu, bia (chiếm 11,8%). Con số này giảm so với cùng kỳ năm 2019 với 49 bệnh nhân có nồng độ cồn trong tổng số 324 bệnh nhân (chiếm 15%).
Kiên trì tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm
Từ ngày 2-1 đến 6-1, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý 84 trường hợp, trong đó 8 trường hợp bị lập biên bản xử phạt ở khung cao nhất theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố), bên cạnh ý thức của đại đa số người dân được nâng lên, thì vẫn còn một số lái xe có hành vi bất hợp tác, chống đối, tìm mọi cách gây khó khăn cho lực lượng thực thi khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Trước tình trạng này, ngày 6-1, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã có công điện chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện, công cụ hỗ trợ, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Nếu người vi phạm là đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.
Thượng tá, PGS.TS Lê Huy Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia phát huy hiệu quả, hoạt động cưỡng chế lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn cần thực hiện nghiêm. Mọi lái xe khi bị dừng phải được kiểm tra, không có ngoại lệ, việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải thường xuyên thực hiện.
Để thay đổi hành vi uống rượu, bia và giúp người dân nhận thức đầy đủ về tác hại của uống rượu, bia ngay trong thời gian ngắn là không dễ. Nhưng cũng có những bài học để tham khảo khi Việt Nam đã từng làm tốt việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ (từ năm 1995) và quy định phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông (năm 2008). Thực tế này cho thấy, khi cả xã hội cùng vào cuộc và công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, vi phạm bị xử lý nghiêm khắc, chắc chắn sẽ dần tạo được thói quen văn minh, lành mạnh trong sử dụng rượu, bia.
Ngày 8-1, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Văn Thể đã ký Công văn số 12/CV-UBATGTQG đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban An toàn giao thông, các sở, ngành, địa phương, cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về xử phạt khi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên gương mẫu thực hiện “Đã uống rượu, bia không lái xe”, không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.