(HNMO) - Tôi vừa nghe xong CD Album “Mùa Thu Níu Bước Em Về” của nhạc sĩ – nhà báo Quỳnh Hợp (hiện đang là biên tập âm nhạc - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) với giọng hát phong phú của ca sĩ Trang Nhung.
(HNMO) - Tôi vừa nghe xong CD Album “Mùa Thu Níu Bước Em Về” của nhạc sĩ – nhà báo Quỳnh Hợp (hiện đang là biên tập âm nhạc - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) với giọng hát phong phú của ca sĩ Trang Nhung.
Ban đầu, tôi chỉ định nghe một vài bài để biết về nhạc của người nữ nhạc sĩ được đồng nghiệp đánh giá là “sáng tác khỏe hơn phái mạnh” thế nhưng từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đã đưa tôi đi trọn cả CD đến gần 2 giờ sáng. Album “Mùa Thu Níu Bước Em Về” của Quỳnh Hợp - người con Hà Nội tuy đi xa nhưng luôn có quê nhà trong tận đáy lòng mình với giọng hát của Trang Nhung - người con Quảng Ninh “nhưng rất yêu Hà Nội” đã mang lại cho tôi - người con vùng đất phương Nam cả bầu trời Hà Nội trong một đêm Sài gòn.
Nghệ thuật phổ nhạc cho thơ độc đáo
Điều làm tôi chú ý nhất là gần như tất cả các ca khúc trong album này đều được Quỳnh Hợp phổ từ thơ của nhiều tác giả, chỉ riêng bài “Đông Về Trên Phố” có ca từ của chính chị. Nghệ thuật phổ nhạc cho thơ của Quỳnh Hợp khá độc đáo. Phổ nhạc thơ Việt Nam dễ mà khó. Rất dễ làm một ca khúc phổ thơ Việt Nam tầm thường nhưng rất khó để làm một bài thơ phổ nhạc độc sáng, thoát ra ngoài âm điệu của thơ và tạo “cuộc đời mới” cho thơ. Những ca khúc về Hà nội trong album “Mùa Thu Níu Bước Em Về” của Quỳnh Hợp thuộc loại sau này.
Những giai điệu do Quỳnh Hợp tạo nên đã gắn bó mật thiết với lời thơ đến nỗi khó có thể tách rời với cách dùng những quãng đặc trưng của âm nhạc để làm cho lời thơ có hình ảnh sống động hơn nhưng cũng vừa đủ biểu cảm như đặc tính của các quãng cụ thể trong âm nhạc.
Hầu hết các bài thơ khi phổ thành ca khúc đều được Quỳnh Hợp giữ đúng nguyên bản. Từ ca khúc mở đầu, Mùa Thu Níu Bước Em Về, với điệu Tango quyến rũ đến những bài phổ thơ 4 hay 5 chữ như: Bảng Lảng Tây Hồ (thơ Đào Tiến), Lá Rơi (thơ Đỗ Sĩ Huấn), Miền Cúc (thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà), Bâng Khuâng Phố Cổ (thơ Mai Hữu Phươc) , Sắc Đào Nhật Tân(thơ Mai Hữu Phươc), Đông Về Trên Phố (Quỳnh Hợp), hoặc thơ 7 chữ như: Nghe Quan Họ Ở Văn Miếu (thơ Hoàng Hương Trang), hay thơ 8 chữ như: Về Giữa Phố Xưa, Trăng Phố (thơ Tố Nga), Nhớ Thăng Long (thơ Nguyễn Quyết Thắng), Một Chiều Với Tây Hồ (thơ Nguyễn Đức Nam), thậm chí cả ở thơ tự do như: Phố Xưa (thơ Tố Nga), Trời Thu Hà Nội (thơ Đặng Hồng Thiệp), Nhịp Phố,... tuy tác giả gần như không thêm bớt, thay đổi gì ở lời thơ nhưng vẫn tạo nên được những giai điệu nhạc phong phú, lôi cuốn trong từng ca khúc mang đến một không gian Hà Nội dịu dàng, đằm thắm đầy tự hào, nhớ nhung.
Những giai điệu rung cảm trái tim yêu Hà Nội
Ngoài các kỹ thuật sáng tác như: sử dụng đảo phách, thay đổi biến hóa cấu trúc bài thơ, dùng những quãng nhạc phù hợp với nội dung cần diễn đạt của ca từ, Quỳnh Hợp còn tạo nên được những đường nét giai điệu (melodic contour) khá đẹp, chuyển động lên xuống, gắn bó hợp lý với ca từ. Mùa thu níu bước em về (thơ Phạm Thị Mai Khoa) trong điệu Tango truyền thống mang bộ mặt mới, diễn tả sự níu kéo ngập ngừng đến đằm thắm, làm người nghe nhớ Hà Nội đến quay quắt. Những đảo phách liền nhau không chỉ để phá cách âm điệu của lời thơ mà còn tạo ra được cảm giác bâng khuâng, bịn rịn đến chạnh lòng khi nghe Về giữa phố xưa.
Thật ra, chính ca khúc Nhịp Phố (thơ Vương Tâm) mới gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi. Lần đầu tiên tôi nghe một bài thơ được phổ theo thể loại nhạc Rap! Nhạc phổ thơ mà lại hát rap! Như thế có thông tục, tầm thường quá không? Có xa lạ với vẻ trữ tình, lãng mạn của những bài thơ về Hà Nội đã được người nữ nhạc sĩ tài hoa dệt nhạc không? Nghe đi nghe lại nhiều lần tôi thấy được tính phong phú trong sáng tác của Quỳnh Hợp, một nhạc sĩ trẻ trung hơn cả những người trẻ hơn mình về tuổi tác. Giai điệu và tiết tấu trong Nhịp Phố vừa mô tả được một Hà Nội hiện đại chứ không chỉ là cổ kính rêu phong. Chẳng có gì là thông tục, tầm thường ở đây, mà trái lại rất nghệ thuật nếu chúng ta biết rap là một thể loại âm nhạc của người Mỹ gốc Phi trong đó ca từ luôn luôn có tiết tấu. Chính vì vậy nhiều nhà lý luận trên thế giới đã coi RAP là viết tắt của Rhythm And Poetry (Tiết tấu và Thi ca).
Nghe lại Nhịp Phố một lần nữa để so sánh với các ca khúc trong album, tôi lại nhận ra rõ ràng hơn kỹ thuật hát đa dạng, trữ tình mà hiện đại của Trang Nhung. Giọng ca này đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của CD Album “Mùa Thu Níu Bước Em Về” của Quỳnh Hợp. Đây là một sản phẩm âm nhạc táo bạo chỉ gồm một thể loại nhạc phổ thơ, được trình bày chỉ bởi một giọng ca mà người nghe đã phải cuốn hút theo từ ca khúc đầu tiên đến những bonus track sau cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.