Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một trận đấu để nhìn lại mình

Huy Hoàng| 08/10/2011 05:48

(HNM) - Tối qua (7-10), Đội tuyển (ĐT) Việt Nam đã có một trận đấu chấp nhận được trước đối thủ hơn hẳn về mọi mặt. Tỷ số thua 0-1 là điều ít ai nghĩ đến trước khi trận đấu diễn ra, điều đó có được nhờ phong độ xuất sắc của hàng thủ với những gương mặt nổi bật như trung vệ Phước Tứ hay thủ môn Tấn Trường.

Pha tranh bóng giữa cầu thủ Việt Nam và Nhật Bản.

Ở một trận đấu tưởng như chẳng liên quan gì đến V.League nhưng V.League lại cứ hiển hiện, ở cả mặt tích cực lẫn tiêu cực trong lối chơi của các cầu thủ. Trước hết, việc các cầu thủ Việt Nam khi đương đầu với đối thủ lớn như ĐT Nhật Bản mà không hề run sợ, sẵn sàng chơi đôi công trong nửa sau trận đấu chính là hệ quả tích cực từ V.League. Điều đó có được là vì từ ngày V.League lên chuyên, các cầu thủ nội thường xuyên được cọ xát với các ngoại binh giỏi nên ĐT quốc gia cũng mất hẳn căn bệnh "khớp tâm lý" giống như thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức trước kia. Không bị chút áp lực thành tích nào nên ĐTVN có thể thoải mái trình diễn những gì mình có. Cách các cầu thủ chủ động chơi bóng chậm để làm giảm hưng phấn của đối thủ hay dùng số đông để hạn chế những pha "đập nhả" nhanh như điện của đối thủ cũng cho thấy dấu ấn rõ nét của ông thầy Falko Goetz. Cả trận đấu, hàng thủ ĐTVN luôn chịu áp lực nặng nề nhưng chơi rất tập trung, kỷ luật (chỉ duy nhất một lần thiếu tập trung khi đối thủ tăng tốc ghi bàn ở phút 23) đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể về bản lĩnh.

Nhưng hình ảnh V.League cũng có những mặt trái của nó khi Chí Công phạm lỗi ngớ ngẩn trong một tình huống không căng thẳng và thủ môn Tấn Trường đã kiểm soát được tình huống bóng bổng. Pha hích vai của Chí Công dẫn đến chiếc thẻ vàng thứ hai phải rời sân, chính là xuất phát từ thói quen chơi bóng thô bạo ở V.League. Điều này các chuyên gia bóng đá đã nhiều lần cảnh báo nhưng đến giờ mọi việc vẫn vậy. Việc Chí Công rời sân không để lại hậu quả nặng nề, nhưng nếu đó là một trận đấu ở một giải kiểu như AFF Cup thì chắc hẳn ĐTVN đã phải trả giá.

Thua 0-1, có thể là sự an ủi về tỷ số nhưng tối qua nhìn các cầu thủ Việt Nam thi đấu với các cầu thủ Nhật Bản lại thấy thương quá. Sự chênh lệch về trình độ, về thể hình, thể lực đã khiến các cầu thủ Việt Nam như những chàng tí hon đuổi theo người khổng lồ. Chỉ cần người khổng lồ thở mạnh hoặc hích vai một cái là cầu thủ ta ngã dúi dụi! Mấy chục năm trước đây, người Nhật Bản tặng cho các cầu thủ Việt Nam đôi giày nhỏ với ngụ ý bóng đá Nhật Bản so với bóng đá Việt Nam khi ấy chỉ là đôi giày nhỏ. Nhưng mấy chục năm sau, tình thế đã đảo ngược. Giờ thì bóng đá Việt Nam đang trong tình cảnh đôi giày nhỏ đuổi theo đôi hia bảy dặm. Trong trận đấu ngày hôm qua, chỉ nguyên việc đuổi theo các cầu thủ Nhật Bản, giữ được bóng đã khiến các cầu thủ ta toát mồ hôi hột. May đây chỉ là trận giao hữu chứ nếu là một trận đấu chính thức, các cầu thủ Nhật Bản tung hết sức thì tình cảnh sẽ thế nào?

Nói thế không phải để bi quan, quan trọng là bóng đá Việt Nam qua trận đấu này rút ra được điều gì để vươn lên từ một đôi giày nhỏ, như cách mà người Nhật Bản đã làm được trước đây mấy chục năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một trận đấu để nhìn lại mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.