Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một trận đấu cho nhiều cách nhìn

Minh Quang| 25/09/2010 07:48

(HNM) - Cả 2 trận đấu trong lượt cuối cùng (U23 Kuwait- U23 Australia, ĐT Việt Nam - CHDCND Triều Tiên) đều kết thúc với tỉ số 0-0. Với đội tuyển Việt Nam, trận hòa này không giúp đội vô địch nhưng lại đem đến một cái nhìn chuẩn xác về đội tuyển của HLV Calisto.


Đội tuyển Việt Nam nhận vị trí á quân. Ảnh: Vũ Uy


Có tới 5 sự thay đổi trong đội hình xuất phát của Đội tuyển Việt Nam so với trận đấu gặp U23 Australia. Nếu sự xuất hiện của Huy Hoàng ở trung tâm hàng phòng ngự như sự thay thế bất đắc dĩ vì Phước Tứ bị 2 thẻ vàng không được thi đấu trận này, sự trở lại của Việt Cường là đương nhiên vì đã bình phục chấn thương, thì sự xuất hiện của Minh Châu (thế chỗ của Tài Em), Vũ Phong (thay Quang Hải), Trọng Hoàng (thay Thành Lương) như một cách để ông Calisto kiểm nghiệm cho một lối chơi hướng đến sự cân bằng hơn trong phòng ngự. Sự thay đổi ấy trước một đối thủ trên tài như CHDCND Triều Tiên là hoàn toàn hợp lý bởi những Trọng Hoàng, Minh Châu đã cho thấy họ hữu hiệu thế nào trong khâu phòng ngự từ xa, điểm yếu ở các trận trước của Đội tuyển Việt Nam.

Cũng từ đây, những bài tấn công của Đội tuyển Việt Nam trở nên mạch lạc hơn hẳn trận gặp U23 Australia dù CHDCND Triều Tiên đã tổ chức bắt người rất nhanh ngay từ giữa sân.

Có lẽ, kinh nghiệm từ việc thất bại trước U23 Australia đã giúp các mảng miếng phối hợp của Đội tuyển Việt Nam uyển chuyển hơn nhờ sự di chuyển không bóng liên tục sau các pha phối hợp nhóm, ngắn, một chạm. Đã có lúc lối chơi này khiến hàng thủ đội khách lung lay, để lộ khoảng trống trước khu 16m50 dù bàn thắng không đến. Dù vậy, phong cách tấn công mang ý tưởng của ông Calisto đã được thể hiện rõ, nhất là khi đội tuyển gặp những đối thủ có hàng thủ vững chắc như CHDCND Triều Tiên. Sút xa và nhồi bóng cho Việt Thắng trong khu 16m50 để tiền đạo này làm tường giúp đồng đội băng vào sút bóng - những giải pháp này đều được thực hiện thuần thục. Không dưới 5 cú sút xa nguy hiểm đã được tung ra trong đó có cú sút đập xà ngang ngay đầu hiệp 2 của Vũ Phong. Một lần, Minh Phương đã có cơ hội từ cú nhả bóng cực kỳ vừa tầm của Việt Thắng nhưng đáng tiếc lại đưa bóng vào má ngoài khiến tốc độ bóng chậm và thủ môn đội khách kịp đổ người bắt gọn. Trong khi đó hàng phòng ngự cũng hoàn thành bài tập chống tạt cánh khi cản phá hầu hết các pha tạt cánh ở tốc độ cao của đội khách. Nhờ vậy, các trung vệ và thủ môn Dương Hồng Sơn không phải chống đỡ những đường bóng bổng, vốn là điểm yếu lâu nay của Đội tuyển Việt Nam.

Phía bên kia sân, CHDCND Triều Tiên (cũng như U23 Australia) đã đem đến cho Đội tuyển Việt Nam những trải nghiệm quý quá nhờ tinh thần thi đấu hết mình. Tinh thần ấy cùng lối chơi đầy chắc chắn, kỷ luật và hợp lý cũng như các pha tấn công ở tốc độ cao nhờ nền thể lực sung mãn đã chứng tỏ đẳng cấp của một đội bóng lớn ở châu lục. Chính họ đã buộc Đội tuyển Việt Nam phải chơi hết mình, phải thể hiện hết những ưu, nhược điểm.

Những phút cuối trận, Đội tuyển Việt Nam càng tỏ ra thất thế trong các pha đua tốc độ, tranh chấp tay đôi dẫn đến liên tiếp phạm lỗi phía sau với cầu thủ đội khách trong các pha tấn công chứa đựng đầy sự bất lợi cho đội chủ nhà. Ngay cả khi Quang Hải, Tài Em vào sân cũng chỉ giảm đi phần nào sự thất thế ấy. Điều này có thể hiểu được trong bối cảnh đội chưa đạt điểm rơi phong độ, lại thi đấu mật độ dày. Nhưng khả năng dứt điểm không tốt trong cả trận vẫn là dấu hỏi lớn. Chuyện này có lẽ không quá phụ thuộc vào điểm rơi mà là bản năng, trình độ của từng cầu thủ. Dù sao màn trình diễn của đội chủ nhà trước CHDCND Triều Tiên vào tối 24-9 là chấp nhận được.

Với 7 điểm, CHDCND Triều Tiên giành chức vô địch cùng giải thưởng 20.000 USD, Việt Nam đoạt hạng nhì với 10.000 USD. Xếp thứ ba và tư lần lượt là U23 Australia, U23 Kuwait.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một trận đấu cho nhiều cách nhìn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.