Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một thực tế đáng suy ngẫm

Trung Hưng| 01/06/2013 06:05

(HNM) - Hôm nay 1-6, là ngày Tết của thiếu nhi. Từ trước đến nay, dường như chưa một khảo sát nào có quy mô đủ lớn cho thấy tỷ lệ tương đối chính xác tại từng khu vực (nông thôn, đô thị hay vùng, miền) số trẻ em được vui chơi, giải trí, thụ hưởng đầy đủ quyền lợi trong ngày Tết của mình.

Trong ngày Tết này, có bao nhiêu trẻ được ông bà, bố mẹ dành những phần quà để động viên, khích lệ; bao nhiêu trẻ vẫn phải lang thang ngoài đường, lao động cực nhọc để kiếm sống, thậm chí bị lạm dụng, ngược đãi? Đó là một thực tế rất đáng để người lớn suy ngẫm.

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội), hiện cả nước có khoảng 3 triệu trẻ em nghèo theo tiêu chuẩn hộ nghèo mới, phần lớn tập trung tại khu vực nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Con số này trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn... Nghèo đói khiến trẻ em bị thiệt thòi cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần như không được vui chơi, không được đến trường, không ít em phải lao động từ khi còn rất nhỏ. Hình ảnh những em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa ăn cơm độn ngô, chan nước rau lễnh loãng, gọi rau là thịt cho đỡ thèm; những em nhỏ sống trong túp lều tạm bợ ở điểm trường xa nhà hoặc co ro trong manh áo mỏng vá chằng vá đụp ngày lạnh giá... hẳn khiến nhiều người không khỏi nhói lòng.

Thế nhưng, không chỉ trẻ có gia cảnh nghèo khó mới phải chịu nhiều thiệt thòi. Để phát triển toàn diện, trẻ phải được bảo đảm cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. "Trẻ em nghèo đa chiều" là một khái niệm mới, theo đó trẻ nào không được bảo đảm các tiêu chí thuộc về nhu cầu phát triển, gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và điều kiện vệ sinh; phải lao động sớm, không được vui chơi giải trí và không có cơ hội được hưởng các trợ cấp xã hội... thì được gọi là trẻ em nghèo. Cũng theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bên cạnh 3 triệu trẻ em nghèo theo chuẩn hộ nghèo còn có 7 triệu trẻ em nghèo đa chiều. Đáng chú ý, số trẻ em nghèo đa chiều ngày càng tăng ngay tại khu vực đô thị vốn có điều kiện về mọi mặt hơn những khu vực khác. Trong đó, trẻ em nghèo đa chiều phổ biến do không được chăm sóc y tế toàn diện, không được sử dụng nước sạch và đặc biệt là không được vui chơi, giải trí. Ngay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em - hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - là vấn đề gây bức xúc từ nhiều năm nay. Gánh nặng học hành khiến trẻ không đủ thời gian... ngủ chứ chưa nói đến chuyện vui chơi...

Để cho 3 triệu trẻ em nghèo theo chuẩn hộ nghèo bớt thiệt thòi, không chỉ cần đến cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước mà ngay bản thân những gia đình thuộc đối tượng này phải nỗ lực vươn lên. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, có thể hy vọng con số này sẽ giảm dần theo thời gian. Song không ai dám chắc trong thời gian tới số trẻ em nghèo đa chiều sẽ giảm đi. Bởi lẽ, nguy cơ dẫn đến sự không chắc chắn này có lỗi trong khâu quản lý xã hội: Nhu cầu chính đáng của trẻ như nơi vui chơi, giải trí, vận động... bị bỏ quên khi triển khai các quy hoạch phát triển ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn, thậm chí bị làm cho teo tóp một cách thô bạo; rồi chương trình giáo dục theo kiểu nhồi nhét khiến trẻ không có cơ hội phát triển toàn diện...

Trên thực tế, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hướng đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cả các cá nhân thường xuyên có những hoạt động chăm lo, hỗ trợ trẻ em. Nhờ vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để công tác này thực sự bền vững, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một thực tế đáng suy ngẫm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.