(HNMCT) - Phàm đã là người sáng tác, quan trọng bậc nhất vẫn là đi và viết. Nói rốt ráo hơn là đi để viết. Ở đây, đi chính là để “nạp” cảm xúc và “nạp” trải nghiệm, còn viết là phần việc diễn ra cùng một lúc hoặc diễn ra sau đó. Trong đó, cảm xúc có tác dụng làm gia tăng chất xúc tác, còn trải nghiệm làm tăng sự tích lũy, khám phá, phát hiện... Riêng trải nghiệm là của từng người, thuộc về từng người, làm nên cái khác, cái độc đáo của từng người. Trên thế giới, người ta xếp sự hiểu biết qua việc đọc sách chỉ là tri thức thứ hai, còn sự hiểu biết qua trải nghiệm cá nhân là tri thức thứ nhất. Bởi sự đọc sách thuộc về số đông, còn sự trải nghiệm thuộc về số ít đơn lẻ.
Mặt khác, theo cách nói của dân gian thì “đi” là “đổi gió”, là làm thay đổi không khí, môi trường sống. Và, sự “đổi gió” bao giờ cũng đem lại sự thay đổi, tươi mới. Đọc “Vang âm tiếng sóng”, tôi ngộ ra rằng: Chính vì nhờ đi nhiều, sống nhiều mà nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh viết được nhiều và có nhiều thơ. Chỉ trong khoảng hai năm, thơ đã đều đặn đến với ông, đủ để ông in một tập thơ dày dặn và đầy đặn. Bên cạnh đi nhiều, sống nhiều, chỗ dựa của thơ ông chính là lòng tin yêu con người. Rồi tất cả những gì từng ghìm nén như được giải thoát. Nói không quá thì chỗ dựa này đã trở thành động lực mang tính thường hằng để Nguyễn Hồng Vinh cầm bút viết.
Tôi có cảm giác, nhờ “Đi nhiều”, “sống nhiều”, “yêu thương và tin yêu con người” nên thơ Nguyễn Hồng Vinh càng có tầm khái quát. Những bài thơ: “Tổ quốc thiêng liêng”, “Tiếng sóng quê hương”, “Khắc khoải Sài Gòn”, “Nhớ nắng miệt vườn”, “Một thoáng Cần Thơ”, “Ba Lòng vẽ lại dung nhan”, “Hoa mộc miên giữa đá”, “Sức hút Việt Nam”... đã thực chứng điều đó.
Trong “Tổ quốc thiêng liêng”, ông gắn “người người lớp lớp” với “Tiến quân ca”: “Ngày đầu tuần, người người lớp lớp/ Hát “Tiến quân ca” trào dâng lồng ngực”. Trong “Tiếng sóng quê hương”, ông gắn mình với quê hương bản quán, dù ở chân trời góc bể vẫn canh cánh "nhớ cội nguồn có nhúm rau chôn đất”. Trong “Khắc khoải Sài Gòn”, ông nhắc nhở mọi người, rằng cuộc đời không có gì phải sợ, “chỉ sợ lòng người tự tạo bão giông”...
“Vang âm tiếng sóng” có nhiều bài thơ tình ấn tượng, cho thấy sự say cháy và bừng rộ nhờ lối viết, cách triển khai rất riêng. Chất ngẫm cảm, liên tưởng cũng được đẩy lên ở mức cao, như với “Tình say”, “Nhả tơ”,“Hoa sưa”, “Nhớ cà phê phố”... Đó là một “Hoa sưa trắng nỗi niềm xưa” thật đáng nhớ, một “Ngỡ em nhả tơ từ kiếp trước/ Để anh ám ảnh một kiếp tằm” để rồi anh và em “như mắc lưới tình duyên”, cũng thật đáng nhớ. Sự thiếu vắng, nói cụ thể là sự “thiếu em” cùng sự tiếc nuối và ngậm ngùi “giá kim đồng hồ quay ngược/ Em ơi!” đã trở thành cái hồn cốt của tứ thơ trong bài thơ đặc sắc “Nhớ cà phê phố”. Rõ ràng, người xưa thì chưa thấy nhưng ngày xưa và những kỷ niệm xưa thì vẫn còn.
Không chỉ có thế, những câu: “Cỏ sinh để mà xanh/ Héo vàng để thêm mượt lá” (“Cỏ và anh”), “Gói cả niềm yêu vào vạt áo" (“Không biết gì”), “Gió chiều phơ phất triền đê/ Còn đây vạt cỏ thầm thì hôm nao/ Đời người như giấc chiêm bao...” (“Gặp lại”) là những đơn vị thơ, chi tiết thơ đáng chú ý trong “Vang âm tiếng sóng”. Trong thơ, đơn vị thơ, chi tiết thơ là rất quan trọng và là điểm nhấn cho mỗi bài thơ. Không có các chi tiết thơ, các đơn vị thơ, bài thơ không đứng được. Nhiều khi chúng như là những cái đinh đóng vào trí nhớ người đọc. Riêng “Khép - mở”, theo tôi là một tứ thơ lạ với nhiều ẩn ý hiện ra sau những khoảng mờ của chữ và nghĩa ở đằng sau hai câu hỏi không dễ trả lời: “Sân khấu đã sáng đèn/ Sao nhìn không rõ mặt?/ Cửa sông Hàn mênh mông/ Mà hồn thơ lại khép?”.
Đến với thơ có phần muộn màng và dường như để bù lại phần muộn màng ấy, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã in trên 10 tập thơ với xấp xỉ cả nghìn bài thơ. Chỉ riêng số lượng thôi, đối với một người làm thơ, đã là đáng kể và đáng nể. Bằng sự bền bỉ và sự bứt phá theo cách của mình, thơ Nguyễn Hồng Vinh được ví như một thứ ánh sáng chậm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.