Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một tâm hồn lớn của Hà Nội

Doãn Hải| 07/07/2014 16:27

(HNMO)- Nhà văn Tô Hoài – cha đẻ của chú Dế mèn nổi tiếng đã vĩnh biệt chúng ta, vĩnh biệt Hà Nội để phiêu lưu vào chốn cát bụi cùng những hồn muôn năm cũ của Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Nhà văn Tô Hoài


Là cây đại thụ của văn học Việt Nam thời cận đại, Tô Hoài cũng là một “văn nhân lẫy lừng” của Thủ đô trong ngót gần thế kỷ qua. Ông sinh ra, lớn lên và sống gắn bó cả cuộc đời với Hà Nội. Tuổi thơ của ông trôi qua cùng những chú dế tại cánh đồng làng Nghĩa Đô quê ngoại, bút danh của ông gắn liền với sông Tô Lịch, phủ Hoài đức của Hà Nội mến yêu.

Năm 1938, ông tham gia Hội Ái hữu công nhân rồi tham gia phong trào Thanh niên phản đế, để rồi năm 1943, gia nhập tổ Văn hóa cứu quốc đầu tiên tại Hà Nội. Cuốn truyện dài nổi tiếng “Dế mèn phiêu lưu ký” cũng được ra đời tại Hà Nội vào chính thời gian đó. Sau này nhà văn có nói rằng: “Thế giới trong Dế mèn phiêu lưu ký phản ánh chính xác và chân thật thế giới tư tưởng của lớp thanh niên chúng tôi thời ấy: Đã tham gia các hội ái hữu, tham gia công đoàn, đọc sách của các bậc tiền bối thời Khai sáng bên Pháp như Voltaire, Rousseau, đọc Con chim xanh của Le Martin, đọc Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, mơ ước về một thế giới đại đồng, nơi người với người đều là bằng hữu, anh em, tứ hải giai huynh đệ ...”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhà văn Tô Hoài đã trải qua nhiều cương vị. Kháng chiến chống Pháp, ông làm chủ bút Tạp chí Cứu quốc tại Viêt Bắc. Năm 1957, được bầu làm làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1958 đến năm 1980, tiếp tục tham gia Ban Chấp hành, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng đặc biệt là từ 1966 đến 1996 ông đã giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, và hơn thế nữa ông đã có 7 năm giữ chức… tổ trưởng dân phố tại con phố nhỏ Đoàn Nhữ Hài của Thủ đô!

Ông được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, gồm Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (1996), Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1956, Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970), Giải thưởng Hội Nhà văn Á - Phi (1970). Và ngày 1/9/2010, nhà văn Tô Hoài đã vinh dự đón nhận “Giải thưởng lớn – Vì tình yêu Hà Nội”, giải thưởng quan trọng nhất trong hệ thống giải của Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho ông, người đã cống hiến hết mình cho Hà Nội, cho Thủ đô yêu dấu.

Tô Hoài thuộc Hà Nội đến mức “nhắm mắt đi đến khu phố nào cũng được”, như có lần ông tâm sự. Ông như một cuốn bách khoa toàn thư về Hà Nội, vì vậy trong gần 200 tác phẩm của Tô Hoài hầu hết ít nhiều đều có gắn bó với Hà Nội. Đó là "Chuyện cũ Hà Nội", "Nhà nghèo", "Giăng thề", "Người ven thành", "Quê người", "Mười năm", "Quê nhà"… Với một tâm hồn nhạy cảm, một tấm lòng nhân hậu, một óc quan sát tinh tế, ông đã khắc họa chân thực và sống động bao cuộc đời chìm nổi, bao diện mạo của người thị thành với những cung bậc xúc cảm đa điệu trong những thăng trầm của “kinh đô bể dâu”.

Trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của Tô Hoài, bên cạnh những tác phẩm có liên quan về Hà Nội, không thể không nhắc đến tác phẩm bất hủ “Vợ chồng A phủ”. Đây là một truyện ngắn trong tập Tây Bắc (1953), tác phẩm mang đến Giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Chỉ trong có vài nghìn chữ nhưng với lối kể chuyện ngắn gọn, cô đọng đầy xúc cảm câu chuyện của Mỵ đã đi vào lòng biết bao thế hệ học sinh, sinh viên cũng như người dân Việt Nam khi tác phẩm này được đưa vào sách giáo khoa phổ thông và dựng thành phim hết sức thành công với kịch bản phim do chính Tô Hoài viết.

Nhưng dù viết về bất cứ chuyện gì, ở đâu với một giọng văn bình dị, mộc mạc, gần gũi thì người đọc vẫn thấy đâu đó lấp lánh ánh mắt cười hóm hỉnh và dí dỏm của một sĩ phu Bắc Hà gốc Hà Nội.

Sinh thời Tô Hoài có cách nhìn người Hà Nội hết sức độc đáo. Ông từng nói: "Người Hà Nội có nét hào hoa phong nhã, nhưng đấy là tinh hoa của nhiều vùng đất tạo nên. Dân Hà Nội là dân tứ chiếng. Vì thế, ở Hà Nội tuyệt nhiên không có chuyện cục bộ địa phương. Tôi cho đó cũng là một nét rất hay của Hà Nội”.

Phải chăng Tô Hoài chính là một trong những người hào hoa phong nhã bậc nhất của đất Hà Thành? Nhưng ông không chỉ hào hoa phong nhã, ông còn có một tâm hồn cao thượng và một tấm lòng nhân hậu, vì chỉ những con người có những phẩm chất đó mới “mang nặng đẻ đau” sinh ra được chú Dế mèn và Vợ chồng A phủ để những nhân vật này sẽ còn sống mãi với đất nước, với thời gian.

Hà Nội, 7/7/2014

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một tâm hồn lớn của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.