(HNM) - Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 26-HD/BTCTƯ ngày 18-10-2019 về “Một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Đây là văn bản quan trọng đối với công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là công tác nhân sự. Báo Hànộimới xin giới thiệu một số điểm nổi bật của Hướng dẫn.
Bảo đảm số dư từ 10 đến 15%
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTƯ gồm 3 nhóm nội dung: Công tác triển khai, quán triệt và tuyên truyền; thành lập tiểu ban nhân sự và lập đề án nhân sự; một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự.
Đáng chú ý, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 phải được thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, phát huy trí tuệ và tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Các cấp ủy cần chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin không chính thức, thông tin giả, xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên internet, mạng xã hội… liên quan đến nhân sự và công tác chuẩn bị nhân sự.
Cơ cấu cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp phải thực hiện theo quy định nêu tại Chỉ thị số 35-CT/TƯ và thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi. Đối với cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, phấn đấu: Dưới 40 tuổi từ 10% trở lên; từ 40 đến 50 tuổi khoảng 40%-50%, còn lại trên 50 tuổi. Đối với cấp xã, ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể cho phù hợp.
Về số lượng cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương, căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TƯ, ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương cụ thể hóa việc thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên so với số lượng tối đa được cấp có thẩm quyền xác định ở nhiệm kỳ 2015-2020. Chẳng hạn, đảng bộ tỉnh A có số lượng cấp ủy viên được Trung ương xác định ở nhiệm kỳ 2015-2020 là 55 đồng chí; khi thực hiện giảm khoảng 5% thì ở nhiệm kỳ 2020-2025, số lượng cấp ủy viên được xác định tối đa là 53 đồng chí.
Về số dư, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, cấp ủy thảo luận, quyết định số dư từ 10 đến 15% so với tổng số cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy được cấp có thẩm quyền phân bổ trước khi thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo quy định. Đối với những nơi có số lượng từ 3 đến 5 ủy viên thì số dư tối đa là 1 đồng chí. Trường hợp ở cuối danh sách giới thiệu có từ 2 người trở lên cùng có số phiếu giới thiệu bằng nhau thì xem xét đưa cả vào danh sách để giới thiệu với đại hội đảng bộ. Nếu kết quả giới thiệu chưa đạt tỷ lệ số dư đã được cấp ủy thông qua, thì cấp ủy tiếp tục quy trình giới thiệu cho đến khi bảo đảm số dư theo quy định.
Lưu ý về độ tuổi tái cử và văn bằng
Tại phiên họp ngày 3-10-2019, xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về việc xin ý kiến dự thảo Hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Bộ Chính trị đã kết luận 2 nội dung quan trọng.
Trong đó, về việc xác định độ tuổi và thời điểm tính độ tuổi tái cử chính quyền các cấp, Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương căn cứ Điểm 3.3 và Điểm 3.2, Mục 3 Phần II Chỉ thị số 35-CT/TƯ để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở này, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTƯ chỉ rõ, độ tuổi tái cử chính quyền ít nhất là 30 tháng và thời điểm tính độ tuổi tái cử chính quyền là tháng 5-2021.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã: Độ tuổi lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ít nhất trọn một nhiệm kỳ, độ tuổi tái cử ít nhất phải từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm đại hội hoặc bầu cử của mỗi tổ chức (tính theo tháng) và có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quy định cụ thể về độ tuổi tham gia cấp ủy đối với những người không là cán bộ, công chức cấp xã (người hoạt động không chuyên trách, cán bộ nghỉ hưu, nghỉ chế độ...) theo tinh thần Kết luận số 64-KL/TƯ, ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Ban Tổ chức Trung ương cũng hướng dẫn cụ thể về độ tuổi tái cử cấp ủy đối với một số trường hợp đặc thù còn tuổi công tác từ 12 tháng trở lên, nếu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý, thì có thể xem xét tiếp tục tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Hướng dẫn cũng làm rõ việc xác định tuổi của cán bộ, đảng viên khi không có sự thống nhất.
Nội dung quan trọng thứ hai được Bộ Chính trị kết luận là việc xem xét trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của nhân sự quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ: “Văn bằng chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau”. Nội dung này được Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn trong Khoản 5, Điều 1 Phần III Hướng dẫn 26-HD/BTCTƯ, cụ thể: “Nhân sự được giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp phải có bằng tốt nghiệp lý luận chính trị đối với từng đối tượng, chức danh theo quy định”. Như vậy có thể hiểu, bằng tốt nghiệp chính quy hay tại chức có giá trị như nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.