(HNMO) - Trong hơn một tháng vừa qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện một số biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các cửa hàng bán máy tính do vi phạm bản quyền phần mềm.
Theo đó, vào tháng 8/2012, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Dịch vụ Thiên Nam Hòa (gọi tắt là Công ty Thiên Nam Hòa) – một doanh nghiệp sở hữu chuỗi Hệ thống Trung tâm Điện máy – Nội thất Thiên Hòa do đã cài đặt các phần mềm Microsoft không có bản quyền vào 17 máy tính hiệu Acer để bán cho khách hàng tại công ty. Trong số đó có cả bản mềm dùng thử của Microsoft Windows8 - vốn chưa được phát hành chính thức mà chỉ dành sử dụng thử nghiệm cho một số ít khách hàng và các kỹ sư phát triển phần mềm với các điều kiện và qui định khi tải về.
Tiếp theo đó, vào tháng 9/2012, hàng loạt các công ty như: Công ty An Phát tại địa chỉ số 269 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội; Công ty Cổ phần Tin học Gia Huy tại số 458 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 2, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Công nghệ Lê Phụng tại địa chỉ số 72A2-73A3 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Xuất nhập khẩu Á Châu (Aqua Laptop) tại địa chỉ 68 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội; Công ty TNHH Tân Thái Bình tại số 100 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội và Công ty TNHH Tin học Thái Ngân tại 596 Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh là các công ty bị phát hiện đã cài đặt các phầm mềm không có bản quyền vào các máy tính được bán cho người sử dụng – một vi phạm nghiêm trọng luật sở hữu trí tuệ của VIệt Nam. Các cơ quan chức năng đồng thời cũng đã thu giữ một số các máy tính Acer, Dell và Asus có cài đặt các phần mềm không bản quyền nói trên.
Căn cứ theo chính sách cấp phép, các bản mềm dùng thử (trial versions) phần mềm Microsoft của hãng có những quy định cụ thể và thường chỉ dành cho các nhà phát triển (developers) hoặc dùng để lấy ý kiến đánh giá của người sử dụng chứ không được sử dụng cho mục đích quảng cáo hay thương mại. Do đó, có thể nói rằng bất kỳ hành động cài đặt phần mềm Microsoft trái với chính sách của hãng là vi phạm luật sở hữu trí tuệ do nhà nước đề ra.
Theo Cục Bản quyền Tác giả, tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật số, chương trình máy tính do đặc thù phần mềm không phải là sản phẩm hữu hình và những người vi phạm cho rằng có thể thoát tội dễ dàng.
Ông Đào Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (Business Software Alliance Vietnam) cho rằng nhà cung cấp máy tính đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đẩy lùi vi phạm bản quyền phần mềm: “Các nhà cung cấp tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, vì vậy, họ là những người thích hợp nhất để thay đổi nhận thức cho người mua máy tính về việc sử dụng các phần mềm có bản quyền để tránh các nguy cơ liên quan đến an ninh và pháp lý. Sử dụng các chương trình máy tính bất hợp pháp có thể khiến máy tính bị nhiễm virus và các phần mềm nguy hiểm, dẫn đến việc bị ăn cắp thông tin ổ cứng hoặc mất toàn bộ dữ liệu. Thêm nữa, người sử dụng các phần mềm máy tính bấp hợp pháp, dù là vô tình, cũng có nguy cơ bị khởi kiện”.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Liên minh phần mềm doanh nghiệp đã tổ chức các buổi hội thảo về Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cho hơn 150 chuyên gia CNTT trên cả nước. Nếu các nhà cung cấp nghiêm túc chấp hành Luật Sở hữu Trí tuệ, không cài sẵn hoặc hỗ trợ cài đặt các phần mềm không bản quyền vào máy tính khi bán cho người dùng thì dần dần, người dùng sẽ thay đổi được nhận thức, và tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam sẽ được giảm bớt”.
Theo một nghiên cứu của IDC, vi phạm bản quyền phần mềm không những kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm mà còn dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.