Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một quyết định lịch sử

Hiền Phương| 12/12/2014 06:14

(HNM) - Cách đây 70 năm, vào ngày 22-12-1944, tại một khu rừng ở châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình), tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) được thành lập. Đây là mốc son lịch sử ghi dấu sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đội VNTTGPQ ra đời đã đáp ứng yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của toàn dân tộc; đồng thời là một trong những sự kiện nổi bật trong lịch sử của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Bước vào năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, phong trào đấu tranh cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu phải xây dựng đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng, làm nòng cốt cho toàn dân đẩy mạnh đấu tranh, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trước tình hình đó, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng đã ban hành "Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ". Chấp hành chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại một khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và Bác Hồ ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo và chỉ huy, đã tổ chức tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ - tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Đại tá, PGS.TS, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam Trần Ngọc Long cho biết: Cùng với sự ra đời của Đội VNTTGPQ, Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ được xác định là một văn kiện quan trọng đề cập đến những nội dung cơ bản về đường lối quân sự của Đảng, khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh nhân dân; những vấn đề về tư tưởng, nghệ thuật quân sự… được lãnh tụ Hồ Chí Minh đúc kết sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, học tập và vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng của Mác - Lênin, kinh nghiệm của cách mạng thế giới, kế thừa và phát triển kinh nghiệm giữ nước của các bậc tiền nhân. Bản chỉ thị xác định rõ: Về phương hướng hoạt động của lực lượng vũ trang là phải kết hợp quân sự với chính trị; về chiến thuật phải vận dụng lối đánh du kích; về nguyên tắc hoạt động là phải đánh thắng trận đầu; về phương hướng phát triển, phải không ngừng xây dựng và phát triển lực lượng, làm cho đội quân nhỏ bé đầu tiên nhanh chóng trở thành một đội quân hùng mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.

Trung tướng, PGS.TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan chính trị (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh, những nguyên tắc cơ bản về chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hàm chứa trong chỉ thị này là sự kế thừa và phát huy đến trình độ cao truyền thống văn hóa giữ nước của dân tộc: Toàn dân đánh giặc, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn; kết hợp vũ trang toàn dân với xây dựng lực lượng vũ trang nhiều thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Trong "Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ", lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tên Đội VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền". Bản chỉ thị tuy ngắn gọn (chỉ có 318 từ) nhưng theo đánh giá của đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đó là một Cương lĩnh quân sự của Đảng, là một bản chỉ thị ngắn gọn, nhưng chứa đựng những tư tưởng ở tầm chiến lược của Hồ Chí Minh về quân sự, về chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội cách mạng - một quân đội của dân, do dân và vì dân. Những chỉ dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh về chiến thuật của Đội VNTTGPQ vẫn là tư tưởng chủ đạo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện nay.

34 chiến sĩ dự lễ thành lập Đội VNTTGPQ được chọn từ các đội vũ trang của các châu và số học viên vừa được đào tạo qua các lớp quân sự ở Trung Quốc mới về, gồm 5 thành phần dân tộc, trong đó 19 người dân tộc Tày, 9 người dân tộc Nùng, 4 người dân tộc Kinh, 1 người dân tộc Dao và 1 người dân tộc Mông do đồng chí Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ) làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái (tức Ngô Quốc Bình) phụ trách tình báo, đồng chí Lâm Cẩm Như phụ trách công tác chính trị, đồng chí Văn Tiên làm quản lý. Đội có một chi bộ gồm 5 đảng viên do đồng chí Xích Thắng làm Bí thư. Vũ khí trang bị rất thô sơ và thiếu thốn, toàn đội chỉ có mấy cây súng trường, một số súng kíp, còn lại là giáo mác. Vũ khí "hiện đại nhất" của đội lúc bấy giờ chỉ là khẩu tiểu liên Mỹ được bà con Việt kiều ở Côn Minh gửi tặng với 150 viên đạn. Ba ngày sau khi thành lập, Đội VNTTGPQ bằng lối đánh tập kích linh hoạt và sáng tạo, ngay từ lần ra quân đã liên tiếp giành thắng lợi, tiêu diệt gọn 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần, thu nhiều vũ khí - mở đầu cho truyền thống "đánh thắng trận đầu, đã ra quân là đánh thắng" của đội quân giải phóng.

Trải qua 70 năm thấu triệt và cụ thể hóa những tư tưởng lớn về quân sự được thể hiện trong bản Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam từ một đội quân nhỏ bé đã phát triển thành một lực lượng hùng mạnh; từ đội quân được trang bị thô sơ tiến lên trang bị hiện đại; từ một quân đội chỉ có bộ binh phát triển lên nhiều quân, binh chủng; từ hoạt động phân tán với tác chiến du kích là chính tiến lên hoạt động tập trung, tác chiến chính quy hiệp đồng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn. Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân và là lực lượng nòng cốt cho toàn dân tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lần lượt đánh bại các kẻ thù xâm lược, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một quyết định lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.